Kiến trúc đô thị đẹp hay xấu không chỉ do kiến trúc sư mà còn phụ thuộc vào sự hiểu biết và khả năng cảm nhận của chính các chủ đầu tư và người dân. Vì vậy, tùy theo cảm nhận kiến trúc của mình, mời bạn tham gia đóng góp ý kiến nhằm hướng tới một bộ mặt kiến trúc TPHCM hài hòa, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa riêng, lối sống và cảm nhận của người dân.
* Ý kiến của bạn đọc TRAN THI khoathi16022yahoo.com:
TP.HCM là một trung tâm kinh tế - văn hóa Kinh tế - Xã hội – Văn hóa – Khoa học, Công nghệ lớn nhất cả nước, nhưng nhìn vào kiến trúc của Thành phố hiện nay thì chúng ta thấy không một chút gì gọi là mỹ quan, nó như một mớ bong bóng.
Muốn bộ mặt kiến trúc TPHCM trở nên hài hòa, phù hợp cảnh quan thiên nhiên, văn hóa riêng thì UBND TPHCM cần lập ra một hội đồng gồm nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để cùng ngồi lại đánh giá một cách tổng quan tình hình kiến trúc quy hoạch của Thành phố, từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục quy hoạch kiến trúc Thành phố.
* ý kiến của bạn đọc dangvuduc@orange.fr:
Paris - ai cũng công nhận là một trong những thành phố đẹp của thế giới, nhưng nếu bây giờ tất cả dân cư ở Paris bị thay đổi bởi những người dân sống kém văn minh và bừa bãi, thiếu văn hóa, thì tôi nghĩ sớm muộn Paris cũng sẽ trở thành đống rác bừa bãi, không trật tự… Do đó, cái quan trọng nhất hiện nay tôi thấy là cần phải phát triển văn hóa, để người dân hiểu thế nào là một lối sống văn minh, phải biết tôn trọng mình và những người sống chung quanh… Có như vậy, cho dù đô thị đó không có những nhà cửa đồ sộ, cảnh quan hào nhoáng, nhưng mọi người vẫn thấy một cái đẹp của thành phố đó.
* Ý kiến của bạn đọc Hoang Nguyen (nguyenhdka@yahoo.com), ngày 20-10-2008:
Tôi hoàn toàn đồng với bạn Đức là để có được bộ mặt đẹp của thành phố Sài Gòn thì mình phải dựa vào sự hiểu biết và ý thức của người dân thành phố.
Theo tôi nghĩ để làm được việc đó, trước tiên mình phải tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân, bắt đầu là từ trẻ em, hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh và môi trường để cho thành phố mình được đẹp hơn. Đây là cái gốc của vấn đề. Những buổi giáo dục, tuyên truyền, vận động như vậy phải được hoàn toàn miễn phí và kêu gọi lòng tự nguyện đóng góp thời gian của cư dân tại địa phương với sự giúp đỡ về địa điểm, phòng ốc của chính quyền địa phương; và phải được tiến hành đồng loạt, đều đặn, có sự tham gia của mọi cấp của chính quyền sở tại. Sau đó mới tiến hành xây dựng, kiến trúc lại bộ mặt thành phố.
Dĩ nhiên, để có được bộ mặt đẹp của thành phố thì phải cần có những kiến trúc sư giỏi, nhưng đồng thời cũng nên tôn trọng và thu thập thêm những ý kiến đóng góp của tất cả mọi người và mỗi tầng lớp, điều đó sẽ giúp cho thành phố đẹp hơn.
* Ý kiến của bạn đọc Nguyệt Nga (TPHCM) ngày 26-10-2008:
Những năm gần đây, lượng dân nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước đổ về TPHCM ngày càng đông khiến hệ thống cơ sở hạ tầng (CSHT) lâm cảnh… quá tải. Có thể thấy rõ vào những dịp lễ, tết khi những người dân nhập cư về quê thì đường sá ở TP rất thông thoáng. Khi hết tết, họ trở lại làm việc, buôn bán thì TP lại tái diễn cảnh đông đúc, ngột ngạt.
Vẫn biết dân nhập cư đã đóng góp nguồn nhân công lao động không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM, nhưng với đà tăng dân số cơ học đến chóng mặt như hiện nay thì cần xem xét lại việc nhập hộ khẩu vào TP. Bởi lẽ, trước ngày giải phóng, hệ thống CSHT chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 3 triệu dân, nhưng nay nó phải oằn mình gánh tới gần 10 triệu dân! Chính vì thế, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường ngày trên địa bàn TP là điều khó tránh khỏi. Dù TPHCM đang gánh chịu sự quá tải về lượng người và xe, nhưng dân nhập cư vẫn đang tiếp tục đổ về TP.
Đó là chưa kể, trong số hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm, có rất ít người trở về quê cũ làm việc. Ngoài ra số lao động thất nghiệp ở các vùng nông thôn cũng tìm đường về TP kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Đáng nói là kể từ ngày 1-7-2007, khi TPHCM thực hiện Luật Cư trú thì làn sóng dân nhập cư tăng rõ rệt. Kết quả, TP đã giải quyết cho 318.000 người nhập hộ khẩu vào TP; 960.000 người tạm trú và tiếp nhận thông báo lưu trú cho hơn 1,6 triệu người khác…
Như vậy, chỉ trong vòng một năm thực hiện Luật Cư trú đã có gần 3 triệu người nhập hộ khẩu vào TP. Với đà tăng dân số cơ học như hiện nay thì đến năm 2010 không biết lấy đường sá đâu mà đi, lấy kinh phí đâu mà xây nhà ở, trường học, bệnh viện… để đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu dân?
Vẫn biết Hiến pháp nước ta cho phép “công dân VN có quyền lưu trú bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VN”, thế nhưng Chính phủ và lãnh đạo TP cần phải có quy hoạch và đầu tư kinh phí xây dựng CSHT trước khi đón nhận dân nhập cư nhập hộ khẩu vào TP. Mặt khác, TP nên tổ chức thêm các đô thị vệ tinh để giãn dân và thu hút dân nhập cư đến làm việc.
* Ý kiến của bạn đọc nvt@hcm.fpt.vn:
Để bộ mặt đô thị đẹp lên có rất nhiều yếu tố liên quan đến quy họach, quản lý... Tôi có mấy ý như sau:
1/ Khi giải tỏa con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Chinh..., hay khi ra quyết định cho phép xây dựng một căn nhà nào đó trên một con đường, một quãng đường nào đó thì cơ quan cấp phép phải buộc chủ đầu tư xây đúng theo một thiết kế giống nhau ở hình thức bên ngoài còn nội thất thì tùy. Nếu được như vậy chúng ta có một dãy phố đẹp, không có chuyện cái cao cái thấp, cái thụt vào cái nhô ra ....
2/ Trong một khu đất cùng của một chủ cũng không thể thích xây thế nào cũng được, thấy thiếu thì cơi nới lung tung, màu sắc thế nào cũng xong. Nói chung là phải quy định rõ ràng.
3/ Đô thị đẹp là đô thị có cảnh quan sông nước cây cối hài hòa, không ô nhiễm. TPHCM có hệ thống kênh rạch quá tốt nhưng nó lại đang là trở ngại vì sự ô nhiễm thiếu kiểm sóat, thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong quản lý.
4/ Nên thật sự quan tâm đến hệ thống ngầm.
5/ TPHCM cũng như nhiều tỉnh thành khác rồi đây sẽ phải trả giá rất đắt cho môi trường. Ngân sách sẽ tiêu hao rất lớn cho nước sinh họat. Nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tòan bộ xã hội, sản xuất. Các KCN là nơi gây ô nhiễm nhất.
6/ Còn nhiều điểm cần xem xét đánh giá tác động nhưng cái quan trọng hơn là khả năng Qủan lý , là phải thống nhất trong hành động, nói là phải làm, làm phải tốt, chứ không có kiểu làm trước sửa sau, né tránh trách nhiệm.