Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Bắt đầu từ việc nhỏ nhất

Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Bắt đầu từ việc nhỏ nhất

“Nếu như trong năm 2007, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là sự chấp hành thì đến năm 2008 cuộc vận động này đã mang tính tự giác cao. Đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương làm theo Bác rất thuyết phục, ngay từ những việc rất nhỏ, rất thiết thực trong đời sống hàng ngày” - Mở đầu chương trình “Nói và làm” ngay đầu năm 2009 vào sáng 4-1, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo (ảnh) đã nhấn mạnh như trên.

Thấm nhuần hơn để làm hiệu quả hơn

Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Bắt đầu từ việc nhỏ nhất ảnh 1

Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên là cận vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho rằng: Để làm theo Bác thì bản thân mỗi cán bộ công chức (CBCC) phải thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Bác. Đối với những cơ quan giải quyết công việc gắn với dân, cần chịu khó lắng nghe dân, hiểu rõ những bức xúc mà người dân đang gặp phải để tháo gỡ kịp thời. Từ việc lắng nghe ấy, các đơn vị sẽ biết cách làm như thế nào là hiệu quả nhất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Tòng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy khối Dân-Chính-Đảng TP, cho biết: Từ năm 2008, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các đơn vị trực thuộc khối đã có sự chuyển biến rất rõ nét. Cụ thể tập trung vào các yêu cầu: thực hành tiết kiệm, thay đổi lề lối làm việc để bớt quan liêu hơn và làm có trách nhiệm hơn.

Kết quả sau 2 năm thực hiện cuộc vận động, CBCC, viên chức trong khối đã nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ, vai trò của mình hơn. Đã có 108 cá nhân được tuyên dương điển hình, hơn 70 công trình tập thể được khen thưởng, đánh giá cao.

Có những công việc tưởng chừng như nhỏ nhưng ý nghĩa lại rất thiết thực. Đó là câu chuyện của ông Huỳnh Văn Quân, Đội trưởng Đội Dân phòng (phường 2, quận 3), khi mỗi ngày ông và 6 đồng đội, đồng nghiệp của mình - đã hơn 70 tuổi - vẫn tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực, điều phối giao thông khi cảnh sát giao thông chưa có mặt, hỗ trợ những người tái hòa nhập cộng đồng trở về cuộc sống đời thường.

“Lương tháng mỗi đồng chí khoảng 300.000 đồng, cộng thêm 70.000 đồng chi bộ vận động hỗ trợ nhưng những người lính Cụ Hồ như chúng tôi vẫn thấy vui và hạnh phúc vì mình vẫn còn đóng góp cho xã hội, cộng đồng” - ông Quân tâm tình.

Đặt mình vào vị trí của dân

Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP, khẳng định: Kết quả của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong năm 2008 được thực hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, phong trào này đã giúp từng CBCC, viên chức trong từng đơn vị soi lại mình, đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết công việc. Với Sở Tư pháp, sự đóng góp đó thể hiện qua việc tin học hóa các quy trình, thủ tục hành chính nhằm hạn chế thấp nhất quy trình thủ công để đỡ tốn thời gian của dân.

Chẳng hạn, việc công khai, minh bạch hóa văn bản quy phạm pháp luật trên mạng để mọi người cùng biết. Thứ hai là hướng về cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng để có được những CBCC có tài, có tâm bằng những khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ liên tục. Và cuối cùng là yếu tố con người, thể hiện ở sự mạnh dạn cất nhắc, bổ nhiệm những người trẻ có tài vào những vị trí quan trọng để trẻ hóa đội ngũ quản lý.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Sở Tư pháp, ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP, cũng cho rằng: Việc thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để rút ngắn quy trình thủ tục, thay đổi thái độ ứng xử có văn hóa, hòa nhã với dân chính là điều đơn vị tôi luôn hướng tới.

Kết quả, trang web về thủ tục xuất nhập cảnh của phòng đã có hơn 30.000 lượt truy cập hàng tháng, hơn 4.000 lượt người nhắn tin qua điện thoại di động, cố định để hỏi về kết quả giải quyết hồ sơ hàng tháng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt người đến phòng làm các thủ tục hành chính nhưng không vì “quá tải” mà hành xử thiếu hòa nhã với dân.

Đặc biệt, từ nhu cầu của dân, phòng đã chuẩn hóa quy trình giải quyết hồ sơ cho dân nhanh hơn thời gian quy định (8 ngày làm việc). Qua đó, trong năm đã có 8.300 trường hợp được cấp hộ chiếu và 652 trường hợp cấp, đổi thị thực, gia hạn tạm trú giải quyết nhanh trong phân nửa thời gian quy định là 8 ngày làm việc; thậm chí có trường hợp giải quyết ngay trong ngày. “Cứ đặt mình vào vị trí của người dân thì mỗi CBCC sẽ tự biết mình phải làm gì” - ông Anh khẳng định.

Nói về những bài học từ tấm gương của Bác ứng dụng vào công việc hàng ngày của mình, chị Lữ Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn, Kho bạc Nhà nước quận Thủ Đức, xúc động cho biết, đối với lĩnh vực của tôi, hàng ngày luôn tiếp xúc với đồng tiền, học tập Bác nghĩa là ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn phải “tỉnh táo” trước tất cả sự cám dỗ, nhất là từ những cái không phải của mình làm ra.

Dẫn chứng hành động cụ thể của những CBCC khác trong Kho bạc Nhà nước quận Thủ Đức đã được nhiều người có mặt trong hội trường nhiệt tình tán thưởng, như: chị Nguyệt đã trả tiền thừa lại cho khách hàng nhiều lần, chị Thanh trong 2 năm đã trả lại cho khách hàng hơn 110 triệu đồng, trong đó có lần chị đã trả lại đến 100 triệu đồng, chị Tám cũng trong 2 năm đã trả hơn 200 triệu đồng lại cho khách hàng đến giao dịch.

“Đã tập được thành thói quen bởi nghề của chúng tôi luôn quan niệm và làm theo lời dặn của Người là “đạo đức là cái gốc của con người” - chị Tám bộc bạch.

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Tạo sự chuyển biến trong mỗi CBCC

Năm 2009, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, tạo thêm nhiều mô hình điển hình, gắn với cải cách hành chính, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Chủ đề mà chúng ta phải tập trung thực hiện trong năm 2009 là tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là học tập, nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng ta sẽ tiếp tục tuyên truyền về những tấm gương làm theo một cách sinh động hơn bằng những cuộc gặp gỡ, những cuộc tọa đàm, biểu dương đúng mức hơn, kịp thời hơn. Đặc biệt phải thực hiện có hiệu quả hơn Chỉ thị 15 của Thành ủy về “3 xây, 3 chống” (“Xây tác phong quần chúng, chống quan liêu cửa quyền, xây tinh thần trách nhiệm, chống tham ô nhũng nhiễu, xây ý thức cần kiệm, chống lãng phí tham quan”).

Chúng ta sẽ tạo sự chuyển biến trong hành động, tạo sự chuyển biến từ bên trong, khắc phục những hạn chế trong mỗi con người, trong từng cơ quan, trong từng đơn vị, để qua đó việc học tập và làm theo tấm gương của Bác ngày càng thiết thực hơn, thuyết phục người dân làm theo, tạo thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

HỒNG HIỆP – VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục