Nhiều khán giả đã cảm thấy nhàm chán khi chứng kiến một Toyota Women’s Open quá “cũ kỹ” với những tay vợt mà ai ai cũng thuộc tên và nhớ mặt. Nào là những người đến từ Nhật, Thái Lan, Indonesia hay Australia…
Không năm nào, khán giả không nhìn thấy lại những gương mặt… quá đỗi quen thuộc. Dĩ nhiên, đi kèm theo đó là những lối đánh quen thuộc, cũ kỹ và chẳng có gì mới mẻ! Cũng may, làn gió mới đầy lạ lẫm và tươi tắn từ Đông Âu đã khiến cho Toyota Women’s Open trẻ trung trở lại.

Tay vợt Aniko Kapros (Hungary).
Họ là những người lần đầu tiên đến Việt Nam. Những Aniko Kapros (Hungary, hạng 263 thế giới, hạt giống số 6, 23 tuổi), Anna Tatishvili (Georgia, hạng 373 thế giới, 16 tuổi) và nhà vô địch đơn vừa đăng quang Katarina Kachlikova (Slovakia, hạng 298 thế giới, 21 tuổi) đều còn rất trẻ trung và năng động.
Họ cũng tiêu biểu cho một phong cách đánh biến hóa và hiện đại. Không phải tự nhiên mà cả ba đều vào sâu tại Toyota Women’s Open 2006: Kapros vào đến bán kết (và thua chính Kachlikova), Tatishvili vào đến tứ kết, còn Kachlikova thì khỏi phải nói – cô là nhà vô địch mới của Toyota Women’s Open.
Tâm lý một số người là muốn xem những tay vợt… đẹp thật sự, dễ thương thật sự. Một số người khác thì chỉ muốn xem đi xem lại những gương mặt quen thuộc đến… thân thương. Nhưng để cho giải đấu bước lên một tầm cao mới, trẻ trung hơn, đáng xem hơn, chúng ta phải cùng diện kiến những nhân tố mới mà vừa rồi các tay vợt Đông Âu là tiêu biểu. Vậy đấy, có thể họ không quá… hấp dẫn trên sân bóng, nhưng xem họ thi đấu, chúng ta mới có thể thấy rằng quần vợt nữ thế giới còn rất nhiều “chiêu trò” khi ra sân.
Tatishvili thì cực kỳ năng động với các pha đeo bám quyết liệt trên khắp mặt sân. Nhược điểm của cô là còn quá nông nổi và nóng nảy trong các pha đôi co qua lại. Kapros là tay vợt khá “dày cơm”. Ưu điểm của cô là biết kìm giữ tốc độ của trận đấu theo ý mình, có nền tảng và sức bền thể lực rất tốt.
Còn nhà vô địch Kachlikova lại là tay vợt tinh quái nhất trong số 32 người tham gia vòng chính đơn. Xem cô thi đấu, không ai không nhận ra tay vợt này hoàn toàn có khả năng kìm hãm sự hưng phấn của… đối thủ chỉ với vài động tác “nho nhỏ”.
Ngoài ra, Kachlikova còn là tay vợt toàn diện nhất tại Toyota Women’s Open. Cô có khả năng cắt bóng rất khéo (loại “vũ khí” hiếm khi thấy các tay vợt nữ tại Toyota Women’s Open 2006 sử dụng), chơi cuối sân rất tốt, tốc độ di chuyển cực kỳ linh hoạt, có thể giữ độ chính xác cao trong các pha đeo bóng dù luôn thay đổi miếng đánh chiến thuật của mình. Dù một số khán giả đặt nặng tình cảm lên tay vợt người Nhật Junri Namigata, phải công nhận Kachlikova là tay vợt xứng đáng nhất cho ngôi vô địch đơn lần này…
Toyota Women’s Open 2006 đã khép lại. Mong rằng vào sang năm, khán giả sẽ được chứng kiến nhiều nhân tố mới mẻ hơn nữa – đặc biệt là sự hiện diện của các tay vợt đến từ Đông Âu (thế lực mới của quần vợt nữ thế giới). Có như thế, cảm giác “nhàm chán và cũ kỹ” tại mỗi kỳ Toyota Women’s Open mới mất đi.
ĐỖ HOÀNG