Sau giải bơi và lặn Đại hội TDTT lần 5-2006

Lặn nổi, bơi tàm tạm

Sau 4 năm, giải VĐQG bơi và lặn mới được tổ chức lại tại hồ bơi Phú Thọ (TPHCM) kể từ năm 2002. Nên những ngày qua, bơi và lặn là những môn sôi nổi và hấp dẫn nhất vòng chung kết Đại hội TDTT toàn quốc lần 5-2006, đồng thời cũng nhiều kỷ lục nhất khi có đến 20 KLQG mới được thiết lập. Tuy nhiên, dưới những cơn sóng tràn của đường đua xanh vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề.

  • Lặn - ấn tượng Tây Ninh
Lặn nổi, bơi tàm tạm ảnh 1

Đội bơi tiếp sức của TPHCM đoạt HCV và phá KLQG nội dung 4x100m tự do nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chỉ 24 bộ huy chương, nhưng những cuộc so kè và chạy đua bên môn lặn xem ra còn khốc liệt hơn cả bơi với nhiều chiêu trò được tung ra và những cuộc chạy vạy hậu trường cũng tưng bừng không kém.

Do lực lượng kế thừa bên bơi lội chưa đủ, cộng thêm các môn thể thao khác cũng làng nhàng, nên nhiều địa phương đã lấy lặn làm thế mạnh để tranh đoạt thành tích tại Đại hội, và Tây Ninh là một ví dụ điển hình.

Có một hồ bơi đạt tiêu chuẩn quốc gia khánh thành cách đây vài năm, Tây Ninh đã chuyển hướng tập trung mạnh mẽ vào môn lặn và những năm gần đây, những “người nhái” của đơn vị này đã làm cho các đoàn phải lác mắt vì tiến bộ vượt bậc đến không ngờ.

13 KLQG của lặn được phá tại Đại hội thì có đến 4 cái thuộc về Tây Ninh cùng vị trí thứ nhì tổng sắp (7 HCV, 3 HVB, 1 HCĐ), dù họ thừa sức làm hơn điều đó. Tuy nhiên, dân trong nghề đều hiểu, Tây Ninh đã không dám vượt mặt “anh cả” Hà Nội vì nhiều lý do, trong đó có lẽ là chuyện “tình nghĩa - nâng đỡ” những ngày mới phát triển bộ môn, nên VĐV đoàn này đã “nhường nhịn” để Hà Nội xếp trên, cũng như đã “buông” ở một vài nội dung thi đấu.

Cần nói thêm, Đại hội vừa qua, Tây Ninh tham dự chỉ vài chục VĐV với 5 môn thể thao, xếp thứ 21 trong bảng tổng sắp (8 HCV, 6 HCB, 8 HCĐ), và công lớn nhất thuộc về đội lặn khi nắm gần hết số huy chương của đoàn này.

Trong khi các đội có bề dày truyền thống như TPHCM, Quân đội và cả Hà Nội đã có những dấu hiệu đuối về lực lượng, đặc biệt đội chủ nhà TPHCM gây thất vọng nhất khi chỉ xếp thứ tư (2 HCV, 2 HcB, 5 HCĐ) khi trước đó đã có chuyến tập huấn hơn 2 tháng tại Trạm Giang (Trung Quốc). Ngoài ra, những “tiểu xảo” trong thi đấu mà các đoàn xử dụng tại Đại hội đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại.

  • Bơi - nỗi lo tuyển thủ

Năm nay, dù vẫn có những chuyến tập huấn từ địa phương đến đội tuyển, nhưng môn bơi khiến người ta phải ưu tư vì sự sa sút của các tuyển thủ quốc gia. Trước giải, đội tuyển bơi lội Việt Nam với 5 VĐV Phan Thị Hạnh, Trần Thị Thuận, Hoàng Thị Cúc, Nguyễn Hữu Việt, Nguyễn Thanh Hải dưới sự dẫn dắt của HLV Đỗ Trọng Thịnh đã có chuyến tập huấn hơn 3 tháng tại Côn Minh (Trung Quốc).

Thế nhưng khi trở về, thành tích của các tuyển thủ này lại sa sút đến ngạc nhiên, 2 tay bơi nam còn đỡ một chút vì vẫn giữ được vị trí hàng đầu các cự ly sở trường, trong khi 3 VĐV nữ thậm chí còn thua cả những tay bơi chỉ tập trong nước. Lý giải sao về điều này? Ngoài ra, những Đỗ Huy Long, Bùi Thị Phương Nhung, Hoàng Linh Chi… cũng khiến người ta phải lo lắng vì phong độ trồi sụt thất thường của họ. Cũng mừng là giải còn có 7 KLQG mới được thiết lập và tất cả đều thuộc về các tay bơi chủ nhà TPHCM.

Để củng cố ngôi vị số 1 vốn đã lung lay dữ dội trong thời gian qua trước đối thủ số 1 Hà Nội, TPHCM đã cho quân sang tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong 1 tháng với 11 tay bơi. Tại Đại hội, ngoài 2  “át chủ bài” Võ Thị Thanh Vy và Nguyễn Quang Huy, các gương mặt trẻ khác như Ân Đỗ Hạnh, Nguyễn Hồng Ngọc cũng đã khẳng định được tên tuổi và góp công lớn vào vị trí số một tổng sắp của đoàn chủ nhà với 17V, 10B, 8Đ cùng 7 KLQG mới.

Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ dừng lại ở tầm quốc gia vì vẫn còn khá xa để tiếp cận quốc tế. May là năm nay chỉ có Asian Games 2006 diễn ra vào tháng 12 tới, và đấu trường này quá tầm nên các tay bơi Việt Nam góp mặt chỉ mang tính học hỏi. Nhưng thời gian 1 năm để tích lũy và chuẩn bị cho SEA Games 2007 không không phải là nhiều nên cần phải tranh thủ thời gian.

Có lẽ qua Đại hội, Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam cũng có những đánh giá xác thực về công tác huấn luyện để đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp nhằm tránh cảnh “trắng tay” của bơi lội Việt Nam có thể xảy ra vào SEA Games năm sau, mà nguy cơ này là hoàn toàn có thể.

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục