Làn sóng di cư vào EU sẽ bị hạn chế?

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Italia - Pháp lần thứ 29 đang diễn ra tại Rome, ngoài những chủ đề về đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước, vấn đề nhập cư được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh làn sóng cư dân châu Phi đang đổ bộ lên Italia, khả năng tiến tới việc điều chỉnh Hiệp ước tự do đi lại trong đại đa số thành viên EU (Hiệp ước Schengen) hoàn toàn có thể xảy ra.
Làn sóng di cư vào EU sẽ bị hạn chế?

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Italia - Pháp lần thứ 29 đang diễn ra tại Rome, ngoài những chủ đề về đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước, vấn đề nhập cư được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh làn sóng cư dân châu Phi đang đổ bộ lên Italia, khả năng tiến tới việc điều chỉnh Hiệp ước tự do đi lại trong đại đa số thành viên EU (Hiệp ước Schengen) hoàn toàn có thể xảy ra.

  • Mâu thuẫn giữa Pháp - Italia

Khi làn sóng bạo động ở Tunisia bùng phát dữ dội vào đầu năm nay, chính quyền Italia và Tunisia đã ký thỏa thuận hợp tác để kiểm soát làn sóng di cư bất hợp pháp từ Tunisia sang Italia (chủ yếu qua đảo Lampedusa, miền Nam Italia).

Trong thỏa thuận này có điều khoản Italia cấp giấy phép có thời hạn 6 tháng cho 20.000 người Tunisia và những người này hiển nhiên sẽ được đi bất cứ nơi nào trong tổng số 22 quốc gia thuộc EU có tham gia Hiệp ước Schengen. Đối với Italia, đây là lựa chọn thông minh để nước này san sẻ “gánh nặng” với những quốc gia lân cận nhưng cũng vì điều này mà Pháp tỏ thái độ không hài lòng.

Người tị nạn Tunisia trên đường đến đảo Lampedusa (Italia). Ảnh: Overoll

Người tị nạn Tunisia trên đường đến đảo Lampedusa (Italia). Ảnh: Overoll

Ngày 17-4, Pháp tạm thời đóng cửa biên giới nhằm ngăn không cho tàu hỏa chở người nhập cư và biểu tình châu Phi từ Italy sang Pháp. Chính quyền của ông Sarkozy còn đe dọa thiết lập lại các trạm kiểm soát visa ở biên giới, gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Trong tuyên bố tại cuộc họp báo sau hội đàm, lãnh đạo cấp cao của Italy và Pháp cho biết đã gửi thư chung lên các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) để kêu gọi sửa đổi Hiệp ước Schengen và xem đó là việc làm cần thiết trong bối cảnh làn sóng người nhập cư ồ ạt và những vấn đề phức tạp do người nhập cư gây ra hiện nay.

Cụ thể, thay đổi sẽ hướng đến khôi phục việc kiểm soát tại khu vực biên giới, yêu cầu chứng minh khả năng tài chính của người nhập cư cùng với việc bảo đảm thời gian họ phải quay lại quê nhà. Qua đó, lực lượng kiểm tra có thể xét gửi trả lại người nhập cư.

  • Lời giải của bài toán nội bộ

Thực chất, mâu thuẫn hiện nay của Italia và Pháp xoay quanh việc bảo đảm an ninh quốc gia, yếu tố cần thiết để “lôi kéo” cử tri cho cuộc bầu cử sắp tới của cả ông Sarkozy hay ông Berlusconi.

Các kết quả thăm dò ý kiến cử tri trước khi bước vào giai đoạn nước rút cho chiến dịch bầu cử Tổng thống Pháp năm 2012 đều cho thấy uy tín của Tổng thống Sarkozy không như mong đợi. 63% cử tri được thăm dò không muốn Tổng thống Sarkozy tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Chỉ có 34% người Pháp ủng hộ ông trong khi số còn lại không bày tỏ ý kiến.

Về phần Thủ tướng Berlusconi, dù ông tuyên bố không tranh cử cho nhiệm kỳ kế tiếp nhưng cũng bày tỏ nguyện vọng đưa Bộ trưởng Tư pháp Angelino Alfano nắm giữ vị trí này. Sau những cáo buộc liên quan đến tham nhũng và bê bối tình ái, liên minh trung hữu của vị thủ tướng này đang ngày càng mất điểm từ cử tri.

Bên cạnh việc phải giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế tài chính dẫn đến những quyết định đi ngược lòng dân như cắt giảm phúc lợi xã hội, cả Italia và Pháp đều không muốn tình trạng nhập cư bất hợp pháp đẩy người dân nước mình vào tình trạng khó khăn, tình hình an ninh hỗn loạn hơn.

Hiện có 26 quốc gia (22 quốc gia thuộc EU) tham gia hiệp ước Schengen (có hiệu lực từ tháng 3-1995). Công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen có thể đi lại tự do bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển giữa các nước mà không cần xin thị thực và không bị kiểm soát ở khu vực biên giới.

Hiệp ước Schengen còn có quy chế chung về tị nạn, thành lập hệ thống thông tin Schengen giúp cảnh sát và cơ quan lãnh sự truy cập kho dữ liệu chung về tội phạm. Ngoài ra, cảnh sát trong khu vực Schengen có quyền truy bắt nghi can xuyên biên giới trong khối.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục