Bộ Nội vụ Đức vừa công bố một báo cáo đáng lo ngại về các cuộc tấn công nhắm vào người tị nạn. Năm 2016 vừa qua, Đức ghi nhận 3.533 vụ tấn công vào người tị nạn cũng như nơi ở của người tị nạn tại Đức. Công luận Đức không khỏi lo lắng về làn sóng bài ngoại tại quốc gia châu Âu này.
Mỗi ngày 10 vụ tấn công
Theo báo cáo trên, mỗi ngày có gần 10 vụ tấn công nhắm vào người tị nạn. Trong tổng số 3.533 vụ tấn công, 2.545 vụ tấn công nhằm vào các cá nhân là người tị nạn và 988 vụ tấn công nhằm vào nơi ở của người tị nạn. Các vụ tấn công này đã làm 560 người bị thương, trong đó có 43 trẻ em. Bộ Nội vụ Đức đã phản đối mạnh mẽ tình trạng bạo lực nhằm vào người tị nạn, đồng thời nhấn mạnh những người tị nạn rời bỏ quê hương, tìm sự bảo vệ ở Đức có quyền mưu cầu về nơi trú ẩn an toàn.
Người biểu tình thể hiện sự đoàn kết với người di cư tại Tây Ban Nha
Theo BBC, quyết định mở cửa đón người tị nạn trốn chạy khỏi xung đột và khủng bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến quốc gia châu Âu này chia rẽ. Sự bất an đang tồn tại trong một bộ phận người dân Đức sau khi phải chứng kiến hàng loạt các vụ tấn công trên khắp châu Âu.
Những mâu thuẫn, tranh cãi về người tị nạn đã trở thành mảnh đất ươm mầm những phong trào cực đoan, bài ngoại như Pegida, một phong trào chống Hồi giáo ở Đức, điều mà tổ chức này gọi là Hồi giáo hóa châu Âu. Mới đây, phong trào này đã tổ chức biểu tình tại nhiều thành phố châu Âu để phản đối người di cư. Hàng ngàn người ủng hộ phong trào cực đoan này đã tập trung tại TP Dresden, Đức.
Tại Hà Lan, Anh, Czech… những người theo Pediga, cũng kéo xuống đường biểu tình. Pediga cho rằng càng có nhiều người Hồi giáo, an ninh càng bị đe dọa. Đồng thời, bày tỏ quan ngại về khả năng hội nhập vào xã hội phương Tây của người Hồi giáo, làm mất đi bản sắc của châu Âu. Pediga bắt đầu một phong trào tại Đức vào giữa năm 2014 và kể từ đó lan sang các nước khác vào lúc châu Âu vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2.
Đoàn kết bảo vệ người di cư
Không ít người cho rằng an ninh bị đe dọa không phải bắt nguồn từ người tị nạn. Nghị sĩ Ulla Jelpke của đảng cánh tả Die Linke cho rằng Chính phủ Đức đang quá tập trung vào sự đe dọa an ninh đến từ người tị nạn trong khi đó, sự đe dọa thực sự đến từ tư tưởng cực hữu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan. “Có phải đến khi chờ có người chết vì bạo lực do tư tưởng cực hữu gây nên thì nó mới được xem là vấn đề trọng tâm của an ninh nội địa? Phát xít mới đang đe dọa người di cư và nền dân chủ của chúng ta”, nghị sĩ Jelpke nói.
Thống kê của Bộ Nội vụ Đức có một điểm đáng chú ý: số người di cư đến Đức năm 2016 là 280.000 người, giảm rất nhiều so với con số 600.000 người của năm 2015. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan vẫn tiếp tục vin vào vấn đề di cư để công kích chính phủ của Thủ tướng Merkel.
Bên cạnh Đức, nhiều quốc gia châu Âu khác vẫn tiếp tục mở rộng vòng tay với người di cư. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích chính sách di cư của Đức, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gạt bỏ ý kiến của ông Trump khi cho rằng: châu Âu không cần lời khuyên từ bên ngoài về việc phải làm gì. Đồng thời cho biết sẽ sát cánh với Đức để giải quyết vấn đề di cư.
Trong khi đó, ngày 26-2 vừa qua, tại 30 thành phố của Tây Ban Nha, các tổ chức nhân quyền và xã hội đã tổ chức các cuộc tuần hành lớn thể hiện sự đoàn kết với người di cư. Họ kêu gọi Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ người di cư nhiều hơn nữa. Đồng thời cũng kêu gọi các nước châu Âu có các chính sách nhập cư mới bảo vệ hơn nữa quyền lợi của người di cư và phân bổ thêm các nguồn lực để ngăn chặn, giảm thiểu số người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải.
ĐỖ CAO (tổng hợp)