Sau Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến lượt Italia, Pháp, Anh cũng thông báo sử dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách.
Cuối tuần qua, Chính phủ Italia tuyên bố sẽ cắt giảm 25 tỷ USD trong 2 năm (2011 và 2012) để đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 2,7% trong năm 2012. Ngoài ra, Chính phủ Italia còn dự kiến đóng băng tiền lương khu vực công trong 1 năm; tiếp tục cắt giảm ngân sách các bộ và đẩy mạnh chống trốn thuế.
Trước đó, Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates thông báo sẽ tăng thuế VAT, tăng thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp lớn và cắt giảm 5% lương của các quan chức để cắt giảm ngân sách xuống hơn 1/2 so với mức 9,4% của năm 2009.
Cùng lúc đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Luis Zapatero cũng thông báo các biện pháp thu về cho ngân sách 15 tỷ USD trong đó bao gồm việc cắt giảm 5% chi phí dịch vụ dân sự trong bối cảnh thâm hụt ngân sách 2009 chiếm 11,2% GDP nước này… Các chuyên gia kinh tế quan ngại, chính sách khắc khổ có thể đe dọa khả năng phục hồi của khu vực đồng EUR (eurozone) vốn còn rất mong manh.
Trong khi đó, Juergen Stark, một thành viên trong ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho rằng gói cứu trợ 750 tỷ EUR được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí cuối tuần trước để cứu giúp các nền kinh tế yếu kém trong khu vực sử dụng đồng EUR chỉ có tác dụng kéo dài thời gian cầm cự.
Ông Stark kêu gọi phi chính trị hóa tiến trình của eurozone, theo đó trừng phạt các quốc gia khu vực đồng EUR có mức thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng 3% GDP.
ECB đã lần đầu tiên thông báo sẽ bắt đầu mua nợ công của 16 quốc gia sử dụng đồng EUR, động thái mà ngân hàng này kiên quyết phản đối khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
A.V.