Lan tỏa di sản Hồ Chí Minh

Nghị quyết XI của Đảng bộ TPHCM xác định việc xây dựng và hình thành  không gian văn hóa Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục đưa việc học tập Bác đi vào chiều sâu; trong đó lan tỏa tính cách con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Cũng trong không gian ấy, việc học tập, lan tỏa tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện bằng nhiều phương thức, giải pháp rất riêng của từng cơ quan, đơn vị đã đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Nghĩ về dân để hành động 

“Chị vào trang web của sở, chọn các dịch vụ mình yêu cầu giải quyết rồi điền đầy đủ thông tin. Điền xong, chị bấm nút gửi là hoàn tất, bên sở sẽ tiếp nhận và chủ động liên hệ lại. Quá trình thao tác có gì chưa rõ, chị vui lòng gọi lại để sở hướng dẫn tiếp”. Đây là một trong số rất nhiều cuộc điện thoại mà các bạn đoàn viên là cán bộ, công chức Sở KH-ĐT TPHCM (thuộc Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM) tiếp nhận rồi trả lời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong nhiều năm nay.

Theo Bí thư Đoàn khối Nguyễn Đăng Khoa, TPHCM đang đẩy mạnh chuyển đổi số để hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Một trong những nội dung cốt lõi của nhiệm vụ trên là cải cách hành chính. Do đó, các sở, ngành, địa phương của thành phố tích cực nâng cấp, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Dù vậy, để người dân sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn thì phải có sự hướng dẫn và lực lượng cán bộ, công chức trẻ thuộc các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn khối tại các sở, ngành xung phong thực hiện nhiệm vụ ấy.

“Đoàn viên khối luôn phát huy tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết để phục vụ người dân. Ngoài tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống, đoàn viên khối còn chủ động lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng với tinh thần việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Nhờ đó, nhiều công trình đã được triển khai, nhận được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, Bí thư Đoàn khối Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ. Các cơ sở Đoàn thuộc Đoàn khối cũng tổ chức nhiều chuỗi hoạt động tình nguyện, chăm lo an sinh xã hội đến người dân, như trao tặng 26 căn nhà tình bạn, tình thương, tình nghĩa, bê tông hóa 20 tuyến đường, trao tặng 800 suất học bổng. Đồng thời tổ chức 35 buổi tập huấn và 5 chương trình chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp; 19 buổi tập huấn các kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em, về cảm hứng sống tích cực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Lan tỏa di sản Hồ Chí Minh ảnh 1 Niềm vui của người dân khó khăn tại quận 5, TPHCM trong ngày nhận căn nhà mới. Ảnh: HỒNG HẢI

Dùng bữa cơm tối cùng vợ và các con trong căn nhà vừa được sửa sang tươm tất, ông Lợi Đức Lâm (quận 5) vui mừng cho biết đây là mơ ước của cả gia đình từ nhiều năm qua. “Bấy lâu nay, tôi cứ mong dành dụm đủ tiền để sửa nhà, nhưng đi làm ngày nào thì đủ chi phí ngày ấy. May được hỗ trợ sửa chữa nhà nên đợt dịch Covid-19 vừa qua, gia đình tôi có nơi ở khang trang. Năm nay sẽ là cái tết vui của cả gia đình chúng tôi”, ông Lâm bày tỏ. Trước khi được sửa lại, căn nhà của ông Lâm xuống cấp, ẩm thấp, nhiều nơi trong nhà đã mục nát chực chờ đổ sụp. Thấy hoàn cảnh gia đình ông Lâm quá khó khăn, Ủy ban MTTQ quận 5 hỗ trợ gia đình ông 48 triệu đồng để sửa nhà.

Vận động xây dựng, sửa nhà tình thương cho các hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn là một trong rất nhiều chương trình chăm lo được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động và thực hiện trong nhiều năm qua. Nhờ đó, hàng ngàn căn nhà của người dân đã được sửa chữa, xây mới. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thực hiện vận động chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ cứu trợ thiên tai; vận động chăm lo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo thông qua Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Riêng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đẩy mạnh vận động ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và Quỹ cứu trợ thành phố. Qua đó đã kết nối được sự chung tay của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp.

Hiện thực hóa lời Bác theo những hướng riêng 

Vở kịch “Dấu xưa” do các nghệ sĩ Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B (Hội Sân khấu TPHCM) biểu diễn đã kết thúc, cánh gà sân khấu cũng đã khép lại nhưng bà Nguyễn Thị Bình (cán bộ hưu trí quận 1) cùng cô cháu gái nhỏ vẫn chưa rời khán đài. Bà Bình còn mãi giảng giải cho cháu gái về những hành động, việc làm của nhân vật Bác Hồ trong vở kịch. “Qua từng việc làm, từng hành động tuy rất nhỏ của Bác đã giúp cháu gái tôi hiểu được việc tiết kiệm thời gian, tiết kiệm của công một cách rất sinh động, gần gũi. Con bé tỏ ra rất hào hứng, còn hứa sẽ học theo Bác”, bà Bình chia sẻ.

Lan tỏa di sản Hồ Chí Minh ảnh 2 Vở kịch “Dấu xưa” giúp lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ đến đông đảo người dân. Ảnh: HỒNG HẢI
Đại diện Hội Sân khấu TPHCM cho biết, để mềm hóa công tác tuyên truyền, đẩy mạnh việc học và làm theo gương Bác đến đa dạng các đối tượng, nhất là quần chúng nhân dân, 5 năm qua Hội Sân khấu TPHCM đã động viên các tác giả, nghệ sĩ tổ chức sáng tác, biểu diễn nhiều vở kịch với nội dung vừa sâu sắc, vừa gần gũi. “Dấu xưa” là một trong những vở kịch xúc động, để lại nhiều dấu ấn cho khán giả bằng nội dung câu chuyện dung dị về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân. Hay vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” cũng đã khắc họa thành công tinh thần yêu nước, kiên trung, nhân cách sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác, Hội Sân khấu TPHCM cũng tổ chức sản xuất và biểu diễn nhiều vở kịch có nội dung nhân văn, mang nhiều giá trị lịch sử như kịch nói “Rặng trâm bầu”, “Người mẹ thứ hai”, “Cánh đồng rực lửa” để phục vụ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trên mặt trận văn hóa, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ TPHCM đã phát hành nhiều cuốn sách quý phục vụ cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thông qua tủ sách “Di sản Hồ Chí Minh”. Tủ sách hình thành từ năm 1999 với tên “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ” rồi được đổi thành tên “Di sản Hồ Chí Minh” vào năm 2006. NXB Trẻ liên tục bổ sung vào tủ sách nhiều bản thảo có giá trị. 

Theo bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ, tủ sách thể hiện sự kiên trì, nỗ lực của các thế hệ biên tập viên NXB Trẻ trong việc phổ biến tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với đông đảo bạn đọc, nhất là thanh thiếu nhi. Hơn 20 năm qua, NXB Trẻ đã xuất bản 51 tựa, với 411.100 bản in; đồng thời thực hiện nhiều tác phẩm có tính sử liệu cao, hình ảnh minh họa là các tư liệu quý để phục vụ công tác tuyên truyền học tập Bác. “Nhận thức vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc định hướng, giáo dục thanh thiếu nhi, NXB Trẻ luôn chủ động thực hiện các nội dung, giải pháp nhằm tập trung thực hiện tốt mảng sách lý luận, chính trị. Các xuất bản phẩm về giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho thanh thiếu nhi đều dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, bà Phan Thị Thu Hà cho biết.

Bằng những cách rất riêng, các tổ chức, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người hiện hữu trong mỗi việc làm, hành động. Và trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh, tinh thần ấy càng phát huy hiệu quả, góp phần lan tỏa, phát huy đặc trưng, tính cách của con người thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: luôn năng động, sáng tạo, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 05 giai đoạn 2016-2021, Thành ủy TPHCM ghi nhận và tuyên dương 395 điển hình trong học tập và làm theo Bác. Trong đó, có 177 gương (gồm 95 tập thể và 82 cá nhân) nhận bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM; 218 gương (74 tập thể và 144 cá nhân) nhận giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. Các gương điển hình được tuyên dương đợt này đều có nhiều thành tích nổi bật với những cách làm mới, sáng tạo từ chuyên môn, nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa lời Bác dạy thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị cũng như chăm lo đời sống người dân.

Tin cùng chuyên mục