Tính đến ngày 31-5-2020, sau 10 tháng phát động, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 300 bài viết gửi tham dự.
Theo ban tổ chức, cuộc thi có những cây bút chuyên nghiệp là các nhà văn, nhà báo, cùng nhiều cây bút không chuyên đã nhiệt tình tham gia. Mỗi bài viết gửi về, việc đầu tiên mất không ít thời gian là phải xác minh từ nhiều nguồn để đảm bảo tính xác thực thông tin nhân vật cùng các dữ kiện, chi tiết được nêu trong bài, đó phải là “người thật”, “việc thật”. Với cách thức như vậy, qua 10 tháng, ban tổ chức đã chọn đăng 59 bài. Tiếp đó, đến phần chấm giải, với nhiều tiêu chí như: tính phát hiện, lối diễn đạt, sức lan tỏa của bài báo…, các giám khảo phải “căng óc” để chấm, nhiều lúc rất phân vân, “nâng lên đặt xuống” nhiều lần bởi có rất nhiều bài cùng đạt chất lượng cao.
Ở cuộc thi lần này, với 300 bài viết là 300 gương mặt cá nhân, tập thể, với nhiều mô hình, cách thức vận dụng để làm những việc tốt, việc thiện. Mỗi ngày, trước vô vàn trăn trở, âu lo vẫn có thể nở nụ cười hạnh phúc khi trong xã hội có nhiều những chú Hai, anh Ba, chị Năm… cùng những công việc, nghĩa cử cao đẹp mà các chú, các chị đã và đang làm vì cộng đồng nhưng không mong được vinh danh.
Đó là chị Năm Hà - Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, sau khi nghỉ hưu chị về quê chồng, thành lập và làm giám đốc một ngôi trường nuôi dạy rất nhiều trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, bệnh down, bại não… Trong bài dự thi “Mẹ của em ở trường…”, tác giả Dương Minh Anh nói về những việc làm tốt đẹp ấy của chị Năm Hà, “Lại nhớ những ngày chị tham gia quyết định chủ trương trị giá hàng trăm tỷ đồng để chăm lo công nhân nghèo TPHCM được dùng điện đúng giá; nhớ những chỉ đạo của chị với chính quyền liên quan cuộc sống của hàng vạn nông dân các huyện ngoại thành; cả những chuyến cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, hạn hán, đồng bào gặp khó khăn ở mọi miền đất nước. Thì nay, trông cảnh chị “ky cóp” từng đồng tiền để lo lương, chế độ cho giáo viên; xoay vần với những bữa cơm sạch - ngon - nhưng phải rẻ cho hàng trăm miệng ăn mỗi ngày, mới thấy bản chất yêu thương con người chính là lẽ sống của chị”.
Hay như bài “Chuyện về Lữ Hồng” của nhà văn Văn Công Hùng, với bút pháp đặc sắc, gãy gọn, giàu cảm xúc, kể về Lữ Hồng, một cô gái bị ung thư giai đoạn cuối. Khi biết mình mắc bạo bệnh, Lữ Hồng vẫn luôn lạc quan, luôn tươi vui, xinh đẹp, vẫn tin mình sống được, vì cô chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. 8 năm qua, Lữ Hồng giờ đã là cô giáo một trường trung học cơ sở ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Cô còn sáng tác nhiều bài thơ hay, có mặt trên nhiều trang thơ của hầu hết các tờ báo lớn trên cả nước.
Với nhiều người Việt Nam, GS Trần Thanh Vân đã quá quen thuộc trong hàng chục năm qua. Ông cùng với người bạn đời - GS Lê Kim Ngọc đã góp công lớn xây dựng hệ thống làng SOS dành cho trẻ em mồ côi Việt Nam và đem về Việt Nam chương trình học bổng Odon Vallet đầy ý nghĩa. Rồi ông tổ chức chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” với hàng ngàn nhà khoa học thế giới, trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng đến Việt Nam tham dự.
Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn do ông vận động xây dựng và tổ chức hoạt động, từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức trên 60 hội nghị khoa học quốc tế, với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học quốc tế; trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel khoa học, giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)…
Đã có rất nhiều bài báo viết về những hoạt động đầy ý nghĩa, những đóng góp lớn lao của GS Trần Thanh Vân cùng những cộng sự của ông cho quê hương, đất nước; nhưng hệ thống lại các công việc ấy, tìm hiểu sâu về cuộc đời cùng những tâm sự của ông dưới thể loại ký sự báo chí thì có rất ít. Tác giả Trần Lưu cho biết, trong quá trình viết bài “Trọn tình với quê hương” anh rất khó hẹn được GS Trần Thanh Vân, vì mỗi lần ông về Việt Nam đều tất bật với các công việc. Năm ngoái, khi vừa hẹn được thì ông lại gặp chuyện buồn: con gái ông qua đời. Và, cuộc trò chuyện với ông được tác giả Trần Lưu thực hiện từ xa, qua email. Tác giả Trần Lưu nhấn mạnh: “Những việc làm của vợ chồng GS Trần Thanh Vân là một hành trình với sự nỗ lực bền bỉ, của một tình yêu bất tận dành cho quê hương”.
Xanh lá cây là màu nổi bật của vùng đất trù phú, màu của loại tảo nảy nở khi nguồn nước trong lành thuận lợi cho con tôm phát triển. Đó cũng là màu sắc mà nữ tiến sĩ vi sinh vật học Mai Thi đam mê theo đuổi từ hồi công tác ở cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh Sóc Trăng. Cuộc đời chị, qua những trang viết của tác giả Sáu Nghệ, đầy nụ cười, nhưng cũng không ít nước mắt. Với người làm khoa học như chị, hạnh phúc nào bằng khi nghiên cứu của mình góp phần cứu sống cả vựa tôm của tỉnh Sóc Trăng hồi năm 2016.
Tác phẩm “Mắc nợ người dưng” của tác giả Hồng Hải, viết về cái tâm và những việc làm của ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi - Aventis (100% vốn nước ngoài, trụ sở tại quận 4, TPHCM). Với sự đấu tranh gan lì, không ngại đụng chạm với cả ban giám đốc công ty, mà sau hơn 20 năm làm cán bộ công đoàn, ông cùng tập thể người lao động ở đây ký được thỏa ước, giúp phúc lợi của người lao động ngày càng được nhân lên. Nổi bật nhất là ông đã kiên trì theo đuổi suốt 2 đời giám đốc để hình thành một nhà ăn khang trang, với kinh phí hơn 40.000 EUR để chăm lo bữa ăn cho nhân viên công ty.
Tác phẩm “Thầy giáo ve chai” của tác giả Thu Tâm viết về thầy giáo Ngô Văn Thiệu, Tổ trưởng Tổ Vật lý Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức, TPHCM), đã thực hiện hơn 30 mô hình ứng dụng khác nhau được làm từ vật liệu tái chế để khéo léo lồng ghép vào bài giảng các mô hình, giúp học trò tìm thấy mối liên hệ giữa kiến thức môn học và những ứng dụng trong thực tế.
Câu chuyện về bà Mẫu Thị Bích Phanh, người được biết đến như một “bảo vật” sống, khi dành trọn cuộc đời cho sự phát triển và bảo tồn văn hóa của người đồng bào Raglai giữa núi rừng Bác Ái anh hùng. Qua lời kể của nhà báo Văn Ngọc, trong gần 30 năm qua, bà nỗ lực bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết và văn hóa truyền thống của tổ tiên xưa. Ngoài là một phát thanh viên, nhà nghiên cứu chữ viết, bà còn trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Raglai cho các cán bộ, công chức, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang, giáo viên trên địa bàn tỉnh; lặn lội đến các buôn làng xa xôi để sưu tầm, nghiên cứu sử thi Raglai. Nay đã tròn 72 tuổi đời và 53 tuổi Đảng, nhưng bà chưa một ngày ngừng nghỉ với công việc còn dang dở.
Phòng thí nghiệm cúm của viện nằm trong khu nhà có dáng dấp kiến trúc Pháp cổ, dưới bóng rợp của tán cây cổ thụ, trên đường phố mang tên nhà khoa học lừng danh người Pháp Yersin. Đúng 10 giờ ngày 7-2-2020, tại nơi đây, có lẽ là một trong những thời khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm khoa học của PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kiêm Trưởng phòng Thí nghiệm cúm. Đó là lúc chị và các cộng sự cùng vỡ òa khi hiển hiện trước mắt hình dạng con virus Corona chủng mới đang làm cả thế giới lo lắng.
Cô cộng tác viên nhỏ nhắn Kim Loan bước qua cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ bận tâm với mớ suy nghĩ, nơi mà sự sống với cái chết, những cơn đau thập tử diễn ra mỗi ngày, thì một nhà cầu nguyện có vẻ hợp lý hơn là đường hoa chứ? Và rồi, tác giả đã chuyển sự bất ngờ, niềm thích thú của bản thân sang người đọc về một đường hoa trong bệnh viện - một món quà dành cho các bệnh nhân và người nhà không có cái tết trọn vẹn. Đường hoa và bệnh nhân, tưởng chừng không dành cho nhau, lại hòa quyện làm nên những câu chuyện bằng cái giọng văn ngọt bùi đậm chất Nam bộ của tác giả.
1,3 tỷ đồng không phải tự tay Tròn lao động mà có được. 1,3 tỷ đồng đến với Tròn giữa lúc ngặt nghèo, quẫn bách từ bao tấm lòng nhân ái khi đứa con trai của Tròn đang trong cảnh “thập tử nhất sinh”, không tiền chạy chữa. Nhưng rồi, 1,3 tỷ đồng vẫn không cứu được con trai Tròn. Tròn buồn lắm nhưng vượt qua nỗi buồn, Tròn lại vui. Tròn vui vì tình người. Và rồi, từ 1,3 tỷ đồng ấy, Tròn lại viết tiếp câu chuyện đẹp đẽ đến ngỡ ngàng giữa đời thường… Anh là Đinh Văn Tròn, người đồng bào dân tộc H’re. Cuộc đời và những việc nghĩa của Tròn như thước phim chiếu chậm - mà tác tác giả Võ Minh Huy thật may mắn khi trở thành người chứng kiến.
Có thể khẳng định, Cuộc thi phóng sự, ký sự Người tốt - Việc tốt Báo SGGP 2019-2020 đã thành công tốt đẹp, tạo được dấu ấn và sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng đối với lĩnh vực báo chí - truyền thông, như đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh trong bài viết có tựa đề Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam: Lan tỏa những gương điển hình, việc làm tốt, hay bất kỳ giá trị sống tích cực nào cũng là cách để đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc hại đang ngồn ngộn hiện nay, nhất là trước tác động có nhiều mặt tiêu cực của truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở nước ta, hơn lúc nào hết, báo chí phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt trong thông tin tích cực.
Cuộc thi còn rất nhiều bài viết hay, xúc động, như: Hơn 10 năm đi “xây nhà” cho thai nhi (Nguyễn Văn Công); Ông thư viện ở Đống Chanh (Nguyễn Duy Khánh); Minh “cô đơn” (Đoàn Hiệp); Tấm lòng người thầy thuốc (Xuân Triều); Đội vớt rác “Vũng Rô Xanh” (Mạnh Hoài Nam); Lão nông đắp vá đường nông thôn (Nguyễn Tân); Nhà sư trẻ say mê làm từ thiện, an sinh xã hội (Tuyết Nhung); Sao trong lòng đất (Duy Chuông); A Giói và câu chuyển cổ tích vùng biên giới (Lê Quang Hồi); Đô thị 4.0 kiểu mẫu (Văn Thắng); Đậm tình quê lúa (Nguyễn Trọng Văn). Mời xem toàn bộ 59 tác phẩm đã đăng trên www.sggp.org.vn. |