
Với diện tích trồng cây bông lài khá lớn, phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc (quận 12) từng được nhắc đến như một “thủ phủ” bông lài. Bây giờ, trên địa bàn này còn xuất hiện thêm làng nghề độc đáo và duy nhất tại TPHCM: làng cá sấu.
Xóa đói giảm nghèo bằng… cá sấu

Trên đường dẫn chúng tôi đến tham quan một số hộ nuôi cá sấu, ông Hùng-Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Xuân - phấn khích nói: “Nuôi con cá sấu ở đất này hợp lắm! Không có gì khó đâu, chỉ cần bỏ ít công chăm sóc giống như nuôi heo vậy thôi.
Mấy hộ trong diện xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của phường tôi nhờ nuôi cá sấu mà cuộc sống đỡ hơn trước!”. Căn nhà lá nhỏ của gia đình anh Nguyễn Hoàng Khánh thấp thoáng từ xa.
Phía sau nhà anh, dãy chuồng cá sấu xây liền kề chiếm 2/3 mảnh vườn là nơi trú ngụ của gần 300 con cá sấu đang cho thu hoạch. Mỗi chuồng có gần 30 con sấu to khỏe, mỗi con nặng gần 20 kg.
Đến giờ ăn của cá sấu, nhẹ nhàng mở cửa chuồng, vừa ném thức ăn vừa cầm cây xua liên tục về phía đàn sấu, anh nói: “Làm nghề này phải cẩn thận. Tuy cá sấu không hung dữ tấn công người nhưng phải đề phòng bộ răng nhọn, bén của nó!”.
Mấy năm trước đây, bà con cùng khu phố không khỏi ái ngại cho hoàn cảnh gia đình anh Khánh vốn là cựu binh chiến trường Tây Nam. Để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học, vợ chồng anh xoay đủ kiểu từ trồng lài, nha đam, đến nuôi gà, heo, trùn quế… nhưng chẳng tạo được thu nhập ổn định, đã vậy gia đình anh còn lâm vào cảnh cháy nhà.
Đầu năm 2003, gia đình anh được Ban XĐGN phường Thạnh Xuân hỗ trợ một suất nuôi 24 con cá sấu, được Công ty Cá sấu Hoa Cà (CSHC) tập huấn kỹ thuật và được tạm ứng tiền tiêu dùng 400.000 đồng/tháng. Quyết tâm thử sức ở mô hình chăn nuôi mới này, anh mày mò đọc thêm nhiều tài liệu về kỹ thuật nuôi cá sấu.
Sau một thời gian nuôi, đàn sấu nhà anh tăng trọng khá nhanh. Với tiếng tăm nuôi sấu “mát tay”, một số hộ nông dân trong vùng đã gửi anh nuôi gia công 14 suất với 250 con, tiền công 14 suất là 700.000 đồng/tháng.
Đến kỳ thu hoạch, ngoài món lãi hơn 5 triệu đồng từ suất của mình, anh còn hưởng thêm 10 triệu đồng từ 14 suất trên. Yên tâm và tự tin với nghề, anh Khánh dự tính sẽ mở thêm chuồng nhằm tăng thêm 8 suất nuôi gia công trong đợt tới. Và tương lai gần, anh sẽ lập trại nuôi gia công cá sấu tại nhà với số lượng 500 con.
Cùng phường với anh Khánh, anh Nguyễn Văn Điệp có nghề hàn sắt, nhưng thu nhập của anh cộng với việc kinh doanh nước đá của vợ vẫn không lo nổi cho hai đứa con ăn học. Được gia đình cho 700m2 đất, vợ chồng anh hết trồng lài đến rau thơm đều gặp thất bại. Sau lần tham gia lớp tập huấn dự án làng nghề chăn nuôi cá sấu, anh mạnh dạn đăng ký một suất.
Hàng ngày, trước khi đi làm, vợ chồng anh bỏ ra nửa giờ để vệ sinh chuồng, giờ cơm trưa cũng là giờ cho cá ăn, thức ăn cho cá đã có Công ty CSHC cung cấp. Bây giờ, lứa sấu đầu tiên 25 con của gia đình anh đã cho thu hoạch.

Một góc Làng cá sấu Sài Gòn.
Hộ anh Khánh và anh Điệp nằm trong số 19 hộ đầu tiên của phường Thạnh Xuân được triển khai thí điểm mô hình XĐGN bằng hình thức chăn nuôi cá sấu vào đầu năm 2003.
Trong chương trình hợp tác giữa Ban XĐGN phường Thạnh Xuân và Công ty CSHC, những hộ nghèo tham gia chương trình này sẽ được đầu tư số vốn là 24 triệu đồng/suất, bao gồm con giống, chuồng trại, kỹ thuật nuôi và được tạm ứng 400.000 đồng tiêu xài hàng tháng.
Vốn vay được chi trả dần sau mỗi đợt thu hoạch trong 3 năm và kết thúc chương trình, hộ nghèo sẽ được sở hữu chuồng cá sấu của riêng mình. Quá trình nuôi của các hộ được công ty theo dõi thường xuyên, hộ nào gặp sự cố hoặc thắc mắc đều được công ty cử nhân viên đến tư vấn tận nhà. Cá sấu một năm tuổi có chiều dài từ 1-1,5m, nặng 15-20 kg là đạt tiêu chuẩn.
Đến kỳ thu hoạch, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, trừ đi các khoản phải trả theo chương trình, mỗi hộ lãi ròng từ 5-10 triệu đồng/suất.
Bước đi thành công ban đầu của 19 hộ trên đã tăng thêm niềm lạc quan cho lãnh đạo phường Thạnh Xuân lẫn đối tác thực hiện chương trình. Năm 2004, thêm 14 hộ nghèo nữa của phường làm đơn gia nhập chương trình và phường Thạnh Lộc kề bên cũng “rục rịch” triển khai mô hình này ra 6 hộ nghèo tại đây.
Khởi động làng nghề cá sấu
Nằm ven sông Sài Gòn, phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc có môi trường sinh thái lý tưởng để chăn nuôi cá sấu. Điều kiện thuận lợi này là lý do chính để Công ty CSHC tiến hành cho nông dân phường Thạnh Xuân nuôi thử tại nhà vào năm 2000. Nhưng việc mời gọi họ tham gia cũng hết sức vất vả bởi chỉ nghe đến “cá sấu”, ai cũng lắc đầu vì… sợ. Để thuyết phục họ, công ty quyết định đầu tư 100% vốn cho 8 hộ nuôi và 5 hộ đã thành công.

Sản phẩm từ da cá sấu.
Hiệu quả kinh tế đã khuyến khích một hộ số khác bỏ vốn đầu tư. Thu nhập ổn định trong chăn nuôi cá sấu đã khiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM quyết định đưa con cá sấu vào chương trình XĐGN tại quận 12 vào cuối năm 2002.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho mô hình này, Sở NN-PTNT phối hợp cùng Công ty CSHC thiết lập dự án “Làng nghề nuôi và chế biến da cá sấu quận 12”, trong đó ưu tiên cho các hộ nghèo.
Dự án này gồm 3 giai đoạn kéo dài từ năm 2004 đến 2010, hướng tới mục tiêu tăng đàn cá sấu của làng nghề lên 12 ngàn con, trong đó chú trọng xuất khẩu 60%-80% các sản phẩm da muối và các loại mặt hàng bóp, ví da…
Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn 1 với tổng lượng đàn trên 3.000 con, 45 hộ trong số hơn 70 hộ tham gia làng nghề thuộc diện XĐGN.
12 thanh niên vốn là con em của hộ XĐGN đang được công ty nhận vào dạy nghề và làm việc ở tổ sản xuất các sản phẩm da cá sấu, hưởng lương từ 700.000 – 1,5 triệu đồng/tháng. 80% sản phẩm da với 100 chủng loại được xuất khẩu và ưa chuộng tại thị trường Nhật, Hồng Công, Trung Quốc… Riêng lượng thịt sấu hiện nay không đủ cung ứng cho nhà hàng của Công ty CSHC.
Các hộ nông dân thường nuôi từ 100 con trở lên. Trừ mọi chi phí, lứa cá sấu 100 con đem lại món lời hơn 50 triệu đồng/năm. Cá sấu không còn là con vật đáng sợ nữa, nhiều hộ đã gắn bó và chọn nó làm nghề thu nhập chính của gia đình như hộ bà Trương Thị Lý (phường Thạnh Xuân), hộ ông Nguyễn Hữu Thiện (phường Thạnh Lộc)…
Thậm chí, bà con còn đưa ra nhiều phát kiến mới trong việc xây dựng chuồng trại, tiết kiệm và tránh ô nhiễm nguồn nước, “mẹo” tăng trọng nhanh cho cá…
Về định hướng phát triển của làng nghề, anh Tôn Thất Hưng -Giám đốc dự án, Công ty CSHC - cho biết: “Chúng tôi sẽ hướng dẫn, chuyển giao toàn bộ kỹ thuật chăn nuôi, con giống và cả tay nghề gia công sản phẩm da cá sấu cho nông dân làng nghề.
Công ty chỉ giữ lại một số ít con giống để làm công tác nghiên cứu và chuyển sang làm dịch vụ, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm”.
Làng nghề nuôi và chế biến da cá sấu quận 12 hiện có lượng đàn cá sấu trên 3.000 con. Doanh thu từ các sản phẩm da cá sấu tại làng nghề đạt 400 triệu đồng/tháng.
Tuyến du lịch mới của thành phố
Trong lần cà kê với bạn bè, anh Hưng đã nghe một người bạn vui miệng kể lại điển tích về cầu Ông Đụng: phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân thuở trước chỉ toàn kênh rạch, cá sấu thường tụ tập dưới sông còn cọp hay lảng vảng trên bờ. Vùng này có một con rạch mà các loài thú thường tìm đến uống nước nên sấu và cọp cũng đến đây săn mồi, vì vậy đã xảy ra những cuộc “đụng độ” dữ dội giữa cọp và sấu.

Chuồng nuôi cá sấu.
Từ đó, con rạch này có tên rạch Ông Đụng và cầu Ông Đụng bắc qua rạch này (nằm trên đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc) cũng từ nguồn gốc đó mà ra.
Thích thú với câu chuyện ấy, anh Hưng liền nghĩ ngay đến việc xây dựng một địa điểm giới thiệu hình ảnh và sưu tập về loài cá sấu, gợi lại điển tích “cầu Ông Đụng” ở vùng này và bày bán các sản phẩm da cá sấu. Giữa năm 2004, Công ty CSHC hợp tác với Hợp tác xã Xuân Lộc (phường Thạnh Lộc) ra mắt “Làng cá sấu Sài Gòn”.
Tọa lạc ở vị trí mát mẻ và khoáng đãng trên địa bàn phường Thạnh Lộc, “Làng cá sấu Sài Gòn” sẽ đưa du khách tham quan các chuồng cá sấu trên 20 tuổi, nghe những câu chuyện về cá sấu xưa và nay, xem quá trình làm bóp- ví da, thưởng thức ẩm thực cá sấu…
Mới đây, Sở Du lịch TPHCM đã quyết định đưa “Làng cá sấu Sài Gòn” vào tour khám phá mới. Chuẩn bị cho điều đó, “Làng cá sấu Sài Gòn” hiện đang gấp rút hoàn tất một vài hạng mục mới nhằm đưa vào khai thác du lịch vào đầu tháng 10 tới.
Bài, ảnh: HỒNG LOAN