Lắng nghe dân và hành động vì dân

Ra đường sợ tai nạn giao thông, về nhà lo bữa ăn nhiễm độc
Lắng nghe dân và hành động vì dân

Ra đường sợ tai nạn giao thông, về nhà lo bữa ăn nhiễm độc

Chương trình hành động của các ứng cử viên được đại đa số cử tri đồng tình vì bám sát thực tế, gắn với những vấn đề sát sườn đời sống người dân từ chuyện học hành, đi lại, chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… đến các vấn đề hệ trọng của quốc gia như nợ công, biển Đông, phát triển kinh tế, cải cách tư pháp, cải cách hành chính…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri quận 3 (Ảnh: Việt Dũng)

Tại hội nghị, nhiều cử tri đã phát biểu và cả chất vấn các ứng cử viên. Cử tri Đỗ Văn Thịnh (Ban Chỉ huy Quân sự quận 3) đặt vấn đề: “Hiện nay ngư dân Việt Nam khai thác, đánh bắt hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam nhưng liên tục bị tàu nước ngoài đâm chìm, thu giữ ngư cụ. Trên cương vị đại biểu Quốc hội, các vị sẽ đề xuất gì với Quốc hội, Nhà nước để hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển?”.

Cử tri Bùi Huy Anh (Công an quận 3) đề nghị các ứng cử viên phải có các giải pháp quản lý hoạt động sản xuất, tiêu thụ thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho người dân, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng để tránh phát sinh khiếu kiện. Cử tri Lê Công Hoàng đặt câu hỏi: “Các ứng cử viên đã bao giờ đi thực tế các cơ sở y tế tuyến dưới để thấu hiểu nỗi khổ của người dân phải nằm 2, 3 người/giường, thuốc men không đầy đủ?”.

Cử tri Trần Bá Nguyên đưa câu chuyện lo lắng của người dân: “Sáng ra các em đến trường không biết có gặp tai nạn giao thông không; đi học về đến nhà thì lo bữa ăn bị nhiễm độc, có bệnh đau gì không; lịch học thêm với áp lực đủ thứ môn… Rồi mối lo đến người lớn cũng từ chuyện đi lại, mưu sinh, ăn uống đến bệnh tật, chữa trị ra sao trong điều kiện quá tải ở các bệnh viện…”.

Những kiến nghị của cử tri về y tế được GS-TS Trần Đông A phá biểu: “Cùng với giải pháp đưa bác sĩ tuyến trên về các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là ở những nơi vùng sâu vùng xa, sắp tới đây sẽ đồng loạt áp dụng mô hình bác sĩ gia đình, hy vọng trong thời gian ngắn sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, không còn tình trạng 2, 3 bệnh nhân nằm một giường như trước nữa…”.

Kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng

Cử tri Nguyễn Hồng Châu đưa vấn đề phòng chống tham nhũng chất vấn các ứng cử viên và cho rằng trong chương trình hành động chưa chỉ rõ được những giải pháp mang tính khả thi, thời gian qua chưa có vụ tham nhũng nào điển hình được đưa ra xét xử. Cử tri Nguyễn Hồng Châu kiến nghị: “Muốn phòng chống tham nhũng tốt, theo tôi, ngoài những giải pháp hiện nay, cần tăng cường giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Mặt khác, cần áp dụng mô hình nhất thể hóa, tinh giản biên chế trong bộ máy chính quyền như tỉnh Quảng Ninh đang làm. Qua đó, không những tiết giảm ngân sách nhà nước mà còn kiểm tra, giám sát trong bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể được tốt hơn…”.

Cử tri Huỳnh Thiên Phúc cũng có những phân tích, nhận định rất sát thực về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang rất nhức nhối hiện nay. Ông nói: “Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực ở từng vị trí lãnh đạo, quản lý để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng, không để manh nha, cấu kết ngay trong nội bộ. Kiểm soát tốt quyền lực, không để cán bộ, đảng viên có cơ hội, có môi trường và cấu kết với nhau để tham nhũng…”

Trả lời ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: “Tham nhũng hiện là quốc nạn. Đảng và Nhà nước xác định đây là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chính vì thế, chúng ta đề ra chủ trương với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng tình hình tham nhũng còn rất phức tạp, chúng ta chưa đạt được kết quả như mong muốn. Gần đây xuất hiện loại tham nhũng vặt, nó cũng gây bức xúc, nhức nhối cho nhân dân và dư luận xã hội. Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn, có nhiều giải pháp đồng bộ chống tham nhũng thì tình hình mới chuyển biến. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến giải pháp phòng chống thông qua tuyên truyền giáo dục, để mọi người cùng nói không với tham nhũng; rồi các cơ quan quản lý xiết lại quản lý, không để sơ hở để những người có lòng tham tham nhũng. Để xử lý tham nhũng thì khâu phát hiện là khó khăn nhất và còn yếu. Ngoài các cơ quan chức năng, tai mắt của nhân dân, báo chí là rất quan trọng, giúp cho công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả cao”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu rằng, khâu yếu nhất hiện nay là cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ và nhiều địa phương, trong đó có TPHCM đang tiến hành rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính, xem cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp, chồng chéo, xin - cho gây phiền hà người dân và doanh nghiệp là loại bỏ ngay.

MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục