Làng nghề lồng đèn Phú Bình hồi sinh

Sau nhiều năm lồng đèn Việt Nam thua trên chính sân nhà, 2 năm trở lại đây, người dân đã quay lại với lồng đèn thủ công Việt Nam.
Những chiếc lồng đèn rực rỡ tại làng nghề lồng đèn Phú Bình
Những chiếc lồng đèn rực rỡ tại làng nghề lồng đèn Phú Bình
 Mẫu mã được cập nhật liên tục, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn, làng nghề Phú Bình (phường 5, quận 11, TPHCM) đã hồi sinh với mặt hàng lồng đèn giấy kiếng cổ truyền. 
Sự trở lại của lồng đèn giấy kiếng
Từ đường Lạc Long Quân rẽ vào hẻm 423 là đến khu dân cư được mệnh danh làng nghề lồng đèn Phú Bình. Trong những ngày này, nơi đây đang rực rỡ sắc màu bởi đủ loại lồng đèn giấy kiếng. Có 5 gia đình làm lồng đèn truyền thống và hàng chục gia đình khác nhận làm từng công đoạn.
Khoảng 10 năm trở về trước, làng lồng đèn Phú Bình vô cùng nhộn nhịp, từ đầu hẻm 423 đến sâu hút phía cuối hẻm, lồng đèn giăng khắp nơi, mùa Trung thu, khách hàng ở khắp nơi tìm tới tấp nập. Thế rồi lồng đèn nhựa của Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường, nhờ mẫu mã bắt mắt và giá rẻ, khiến nhiều gia đình làm lồng đèn ở Phú Bình phải bỏ nghề. Rồi 2 năm qua, người dân lại tìm về sử dụng các loại lồng đèn truyền thống làm bằng tre, giấy kiếng, nên làng lồng đèn Phú Bình hồi sinh với nhiều đơn đặt hàng chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Làng nghề lồng đèn Phú Bình hồi sinh ảnh 1 Tất bật giao hàng
Trong năm, hoạt động sản xuất và bán lồng đèn chỉ nhộn nhịp trong một tháng mùa Trung thu, nhưng để có sản phẩm tung ra thị trường, từ ngay sau Tết Nguyên đán, người dân Phú Bình đã chuẩn bị nguyên liệu, buộc lạt, chẻ tre, vẽ trên giấy kiếng… để đến Trung thu kịp dán đèn giao cho khách hàng. Mỗi chiếc lồng đèn có giá 10.000 - 15.000 đồng/chiếc nhỏ, 70.000 đồng/chiếc lớn, tiền lời chỉ chừng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc, dù vậy người dân Phú Bình vẫn giữ nghề vì đam mê và không đành để thất truyền một nghề thủ công mà ông cha đã gầy dựng, gìn giữ suốt thời gian dài. Để sống được với nghề, người dân làm lồng đèn ở Phú Bình phải làm thêm các công việc khác, khéo vun vén lắm mới đủ trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Kim Thu (39 tuổi, ngụ 423/2 Lạc Long Quân) cho biết: “Gia đình tôi làm lồng đèn thủ công từ thời ông cố, đến nay đã 4 đời. Nghề này làm cả năm nhưng thu hoạch chỉ trong một vài tuần, vì vậy ai cũng phải có công việc khác để mưu sinh, người bán quán ăn, người làm móng, người đi may... Năm nay, đơn hàng khá nhiều, nên cả gia đình 5 người tập trung làm ngày làm đêm và thuê thêm 5 nhân công thời vụ để thực hiện các công đoạn đơn giản”.  
Mong có đầu ra ổn định
Cũng là nghề cha truyền con nối, bản thân đã theo nghề 40 năm nhưng đến đời ông Nguyễn Hữu Nam (ở 6/1/3 Nguyễn Văn Phú) không có người kế thừa, vì các con ông thấy làm lồng đèn thủ công không kiếm được nhiều tiền như công việc khác. Vợ chồng ông rảnh rỗi, làm lai rai các công đoạn từ sau Tết Nguyên đán, đến mùa Trung thu được khoảng 2.000 - 3.000 lồng đèn, chủ yếu bỏ mối ở Chợ Lớn và bán cho các nhóm từ thiện. Lẽ ra năm nay vợ chồng ông không làm, nhưng có cơ sở từ thiện đặt hàng, nên vợ chồng lại chuốt nan, dán giấy, vẽ hình. Ông tâm tư: “Trẻ em nông thôn vẫn còn thích loại lồng đèn giấy kiếng này lắm, nhưng không dễ mà có được. Mấy cái lồng đèn này nhẹ nhưng cồng kềnh, một xe tải chẳng chở được bao nhiêu, thêm tiền xăng nhớt, phí cầu đường, đưa về đến vùng nông thôn thì giá cả từ mười mấy ngàn đồng đã đội lên mấy chục ngàn đồng một cái. Đắt quá, làm sao cha mẹ ở nông thôn mua được cho con mình chơi? Để giữ được nghề truyền thống này, cần sự hỗ trợ của Nhà nước tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường”.
Ông Huỳnh Quang Hưng, cán bộ phường 5, quận 11, cho biết: “Công việc làm lồng đèn đòi hỏi nhiều công đoạn mà không mang lại nhiều lợi nhuận, chủ yếu tận dụng lao động nhàn rỗi, chứ lao động chính trong gia đình thường đã có công ăn việc làm ổn định nên không tham gia. Vì vậy, người dân giữ nghề không phải vì mục đích kinh tế mà chủ yếu vì đam mê. Với mong muốn có đầu ra ổn định để phát triển làng nghề lồng đèn Phú Bình, phường 5 đã hỗ trợ bằng cách tuyên truyền, vận động các trường học, các nhà tài trợ, các đơn vị trên địa bàn khi thực hiện chương trình Trung thu cho thiếu nhi thì sử dụng lồng đèn của các cơ sở tại địa phương. Ngoài ra, phường cũng thường xuyên tìm hiểu nhu cầu của các hộ kinh doanh về vốn, công nghệ, thị trường, để phát triển cơ sở. Đồng thời, UBND quận 11 có chính sách hỗ trợ vốn ngắn hạn, dài hạn đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên các hộ này không muốn vay vốn vì đặc thù của nghề làm lồng đèn truyền thống là không có đầu ra thường xuyên, mỗi năm chỉ bán vào mùa Trung thu, khó có phương án phát triển kinh doanh phù hợp” .

Tin cùng chuyên mục