Làng nghề truyền thống đang trôi vào quên lãng?

TPHCM vẫn còn lưu lại một số làng nghề tết truyền thống từ bao đời nay. Các đặc sản mứt, hoa, lư đồng… từng vang tiếng một thời, từng được khách hàng gần xa biết đến nay đang dần trôi vào quên lãng.
Làng nghề truyền thống đang trôi vào quên lãng?

TPHCM vẫn còn lưu lại một số làng nghề tết truyền thống từ bao đời nay. Các đặc sản mứt, hoa, lư đồng… từng vang tiếng một thời, từng được khách hàng gần xa biết đến nay đang dần trôi vào quên lãng.

Trước đây đến làng lư đồng Gò Vấp vào những ngày cuối năm, chúng tôi có cảm giác như lạc vào nơi xa lạ bởi màu lư vàng óng ánh và không khí rộn rã giáp tết. Nhưng nay cảm giác đó không còn dù hiện giờ đang bước vào cao điểm sản xuất lư phục vụ Tết Nguyên đán. Được biết, cả làng nghề truyền thống Thông Tây Hội tồn tại hàng trăm năm nay chỉ còn co cụm tại vài gia đình của các nghệ nhân như Hai Thắng, Quốc Kiển…

“Hầu hết các nghệ nhân đúc lư không còn gắn bó với công việc đầy vất vả, cực nhọc này. Họ đã chuyển sang buôn bán, kiếm sống bằng nghề khác” – ông Hai Thắng, nghệ nhân “ruột” của cụ Trần Văn Kỉnh, cố nghệ nhân có công khai sáng làng nghề, chia sẻ. Để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công tinh xảo, cẩn thận như: làm khuôn ruột, đúc sáp, nấu chảy đồng, đổ khuôn, gia hàn, đánh bóng…

Trung bình để cho ra một mẻ sản phẩm mất khoảng 2 ngày, từ khi đúc khuôn đất, đem vào lò nung, cho đến lúc đồng nguội, đem ra đánh bóng. “Trước đây, cơ sở rộng, hàng trăm lao động từ nhiều tỉnh thành đổ về làng nhưng giờ chỉ còn khoảng vài chục người bám nghề. Thanh niên trai trẻ không thích nghề này, vì mức lương thấp, môi trường làm việc nhiều khói bụi” – dì Tư, ngoài 60 tuổi, làm việc trên 40 năm tại cơ sở lư đồng Quốc Kiển nhận định.

Hiện tại, lượng khách đến đặt mua lư tại làng Thông Tây Hội vẫn còn nhưng không đáng kể. Theo các nghệ nhân, Tết Nguyên đán Tân Mão này, giá đồng nguyên liệu tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, kéo giá bán tăng khoảng 30% - 40% trên mỗi bộ lư nên càng khó bán hàng.

Cơ sở đúc đồng lớn nhất làng An Hội (Gò Vấp) xưa, giờ còn vài chục người làm việc.

Cơ sở đúc đồng lớn nhất làng An Hội (Gò Vấp) xưa, giờ còn vài chục người làm việc.

Cách Thông Tây Hội không xa, làng hoa Gò Vấp cũng trong tình trạng bị thu hẹp diện tích đất, người dân đổi nghề. Làng mứt cư xá Đường sắt (Lý Thái Tổ, quận 3) cũng lâm vào cảnh như vậy. Hàng trăm hộ dân từng bám trụ với nghề, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương nay đành… đi làm thuê.

Với họ nghề này không thể bám trụ trên thị trường bởi muôn ngàn lý do: giá nguyên liệu tăng, môi trường sản xuất chật chội, không đảm bảo vệ sinh, thiếu kinh phí để mở một cơ sở sản xuất hiện đại… “Tiếc thay nghề mứt bây giờ chẳng ai đoái hoài. Cả trăm hộ kinh doanh bây giờ rơi rớt lại chỉ còn vài hộ” – một cụ ông chuyên kinh doanh mứt tết tại khu cư xá Đường sắt cho biết.

Tâm sự với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường 1, quận 3 Trần Thanh Túc cũng không khỏi xót xa. Anh tâm sự rằng thực tế làng mứt báo chí đã nói quá nhiều, mà đa phần phản ánh mặt tiêu cực. Chính điều này đã vô tình hại chết một làng nghề. Muốn vực dậy làng nghề mứt bây giờ thực không dễ chút nào.

Tại làng hoa Gò Vấp, trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhiều nghệ nhân nắm bắt thời cơ chuyển sang nghề mới là tạo dáng bon sai. 70 nghệ nhân tụ lại đã dần tạo được một thương hiệu mới cho làng hoa truyền thống qua tên gọi “Làng bon sai Gò Vấp”.

Có những nghệ nhân đã làm giàu từ chính mảnh đất chỉ khoảng 100m² của gia đình. Chẳng hạn như hộ ông Nguyễn Văn Hưỡu, Trần Văn Thanh… với vườn bonsai trị giá hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Trần Thế Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa kiểng Gò Vấp cho rằng những vườn bon sai trên cũng gặp khó khăn về cây giống, đầu ra.

Nghệ nhân Văn Hưỡu nói: “Hơn nữa, các loại cây đều có giá trị lớn, hướng tới số ít dân sành chơi nên cũng rất kén người mua”. Như vậy, về lâu dài làng hoa Gò Vấp sẽ dần biến mất và thay vào đó là một làng chuyên canh bon sai phục vụ cho thú chơi “cao cấp” cho số ít người.

Nhiều làng nghề truyền thống đang dần biến mất khỏi đời sống công nghiệp và xã hội hiện đại. Liệu mai sau thế hệ tương lai còn được tham quan các làng nghề truyền thống - vốn quý văn hóa phi vật thể của dân tộc; hay lớp trẻ chỉ biết đến qua sách vở, hồ sơ lưu trữ? Xuân Tân Mão đang đến gần, cả xã hội náo nức chuẩn bị đón tết. Riêng bà con làng nghề truyền thống trên địa bàn TPHCM lại canh cánh nỗi lo “năm sau không biết làng nghề sẽ về đâu?”. 

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục