Lắng nghe và giải quyết phản ánh từ cơ sở

TPHCM đã kiện toàn Ban Chỉ đạo TPHCM về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm thực hiện tốt nhất các quy định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhìn lại những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại TPHCM đã mang lại nhiều kết quả, trong nhiều phần việc đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia.

Người dân quận Tân Bình (TPHCM) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc của lãnh đạo quận với người dân về thực trạng thiếu cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục trên địa bàn
Người dân quận Tân Bình (TPHCM) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc của lãnh đạo quận với người dân về thực trạng thiếu cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục trên địa bàn

Huy động sự tham gia của người dân

Chỉ thị 30 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nêu các nội dung chính xoay quanh 4 khâu liên quan đến dân chủ. Đó là: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta bổ sung 2 khâu trong phương châm, thành: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tại TPHCM, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm trên được thể hiện rất rõ trong công tác hiến đất mở rộng đường, hẻm trong thời gian qua. Qua việc công khai các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp tại quận 7 và từ việc những tuyến hẻm, cây cầu được nhanh chóng mở rộng, đưa vào sử dụng đã tạo được niềm tin nơi người dân. Đặc biệt, nhận thấy lợi ích từ việc mở rộng hẻm, một số người dân đã chủ động hiến đất và đề nghị địa phương mở rộng, nâng cấp tuyến hẻm nơi gia đình họ sinh sống.

Là người chủ động đề xuất địa phương nâng cấp hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận), ông Lê Thanh Phong chia sẻ: “Có lẽ đến thời điểm này, mỗi người dân ở quận 7 đều hiểu rất rõ lợi ích từ việc nâng cấp mở rộng hẻm. Do đó, chúng tôi không chờ địa phương vận động mà người dân chủ động đề xuất thực hiện thì mọi việc sẽ nhanh hơn”. Chỉ sau một thời gian ngắn, người dân ở hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát đã tháo dỡ vật kiến trúc, bàn giao hơn 90% mặt bằng để địa phương thi công công trình mở rộng, nâng cấp hẻm.

Không chỉ tại quận 7, vai trò của người dân tham gia các công trình ở nhiều địa phương khác cũng rất rõ nét. Chẳng hạn, dự án xây Trường THCS Bình Trị Đông hay dự án xây dựng mới Trường THCS Trần Cao Vân (quận Bình Tân) đều nhận được sự ủng hộ của người dân, khi có hộ gia đình hiến đến 5.000m2 đất để thực hiện dự án. Mới đây nhất là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) hay dự án đường Vành đai 3 qua nhiều địa phương như TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận 12… cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân trong việc nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Quan tâm ý kiến đóng góp

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo TPHCM về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mới đây, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh đến một trong những nguyên tắc rất quan trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đó là tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân. TPHCM đã triển khai bằng nhiều giải pháp để phát huy tốt nguyên tắc trên.

Cụ thể, để phát huy vai trò của người dân trong các hoạt động ngăn ngừa vi phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng như nắm sát, nắm rõ tình hình nhân dân, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tiếp tục ban hành Quy định 1629 nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cũng như phát huy vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội cùng thành phố thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Từ tin báo của người dân, nhiều vụ vi phạm đã được xử lý, như vụ một Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức bị xử lý vì có vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

HĐND TPHCM có chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” và các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, thể hiện sự tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền thành phố xoay quanh những vấn đề người dân, dư luận quan tâm. Tổng đài 1022 của TPHCM đã phát huy hiệu quả hoạt động. UBND TPHCM cũng vừa ban hành quyết định về quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại TPHCM.

Đồng thời, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc quy định tiếp công dân; tổ chức các hội nghị nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong tham gia giám sát, phản biện xã hội. Mới đây nhất, Sở TT-TT TPHCM đã ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội, để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn TPHCM. Việc này một lần nữa cho thấy thành phố đặc biệt quan tâm đến những ý kiến của người dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và phát triển thành phố.

TPHCM luôn minh bạch trong thực hiện các chủ trương, chính sách. Chẳng hạn như trong thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM, chính quyền các cấp nhiều lần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Thành phố cũng đang tổ chức lấy ý kiến người dân trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sắp xếp khu phố, ấp; việc quản lý, sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM có thu phí… Những phần việc này đã thể hiện rất rõ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đảng ta đang hướng đến.

Tin cùng chuyên mục