Lãng phí từ đâu?

Những ngày qua, khi thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ bức xúc về tình trạng chi ngân sách dàn trải, kém hiệu quả, tiêu xài lãng phí.

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) bức xúc cho rằng, trong một nền kinh tế khó khăn, sản xuất đình đốn, thâm hụt ngân sách như hiện nay nhưng kế hoạch chi tiêu vẫn bình bình như mọi năm. Rất dàn trải. Dàn trải đến mức một dự án mà chương trình mục tiêu quốc gia cũng có, chi thường xuyên cũng có, chi hỗ trợ cũng có. Một dự án mà xuất hiện ở cả 3 nơi chi tiền. Không ít ĐBQH chỉ trích các bộ ngành đang làm chính sách theo kiểu “chuyên viên cấp vụ trình lên, lãnh đạo ngồi ung dung phân bổ ngân sách theo địa chỉ có sẵn mà không rà soát cái gì cần, cái gì không cần”. Hoặc không ít người cho rằng, còn chương trình mục tiêu quốc gia thì còn “chạy”, đó là “ổ tiêu cực”, vì chi thường xuyên chỉ 1 đồng, nhưng vào mục tiêu quốc gia thì thành 5 đồng. Nếu cách làm ngân sách không được đổi mới thì chuyện không có nguồn để tăng lương cũng là điều dễ hiểu.

Một thực tế nhức nhối khác cũng đang diễn ra, đó là trong khi nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm đầu tư công nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương lại tiêu xài rất lãng phí, chi phí nhiều tiền của cho các lễ hội linh đình, khai trương, đón nhận huân chương, danh hiệu… có nơi xây dựng trụ sở rất lớn, tốn kém ngân sách mà không sử dụng hết công năng, mua sắm xe cộ, trang thiết bị đắt tiền. Bởi thế, khi tình trạng này vẫn đang diễn ra trước mắt người dân thì việc Chính phủ định hoãn tăng lương tất nhiên sẽ không nhận được sự cảm thông của nhân dân.

Để có 60.000 tỷ đồng tăng lương đúng lộ trình trong năm 2013, nhiều ĐBQH kiến nghị có thể cắt giảm trong mục chi tiêu các tập đoàn kinh tế, rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia vì hiện có nhiều nội dung trùng lặp, chi lãng phí, không cần thiết. Ông Nguyễn Hữu Quang, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng nếu rà soát lại các chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia thì có thể tiết kiệm được 30.000 - 40.000 tỷ đồng. Cộng thêm 10.000 tỷ đồng từ dầu khí là có thể dôi ra 50.000 tỷ đồng cho việc tăng lương. Cùng với đó là tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, cắt hết những mục chi kiểu trời ơi đất hỡi, thì khoản tiền 60.000 tỷ đồng dành cho việc tăng lương là hoàn toàn trong tầm tay.

Tính toán của ông Nguyễn Hữu Quang có thể làm được không? Khi đem câu hỏi này hỏi nhiều ĐBQH, các vị đều bảo: Làm được. Dĩ nhiên sẽ có sự “đau đớn” vì đụng chạm đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nhưng thà đau mà chữa được bệnh, mang lại niềm tin cho người dân còn hơn là để căn bệnh dai dẳng, ngày càng gặm nhấm sức khỏe cơ thể. Khi duyệt phân bổ ngân sách, QH và Chính phủ đều nhấn mạnh quan điểm “tập trung cho con người”. Tăng lương để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho hơn 22 triệu người hưởng lương chính là việc tập trung cho con người. 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục