Trở lại các công trình văn hóa bị xuống cấp

Lãng phí vì thiếu quy hoạch tổng thể

Lãng phí vì thiếu quy hoạch tổng thể

Năm 2004, Báo SGGP liên tục phản ánh tình trạng những công trình văn hóa ở Bình Chánh, Củ Chi, quận 12 mới xây dựng đã xuống cấp, hoặc để hoang phí, sử dụng sai mục đích… Sau khi báo phát hành, đã nhận được những ý kiến của lãnh đạo các ngành, địa phương về việc chấn chỉnh, khắc phục sửa chữa. Đến nay, số phận của những công trình này ra sao?

Lãng phí vì thiếu quy hoạch tổng thể ảnh 1

Khu vui chơi thiếu nhi ở xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh đã xuống cấp trầm trọng.

Trung tâm Văn hóa-Thể dục thể thao (TTVH-TDTT) huyện Bình Chánh được người dân quan tâm không phải do thành phố đầu tư khoảng 40 tỷ đồng mà là chất lượng.

Công trình được thiết kế xây dựng với nhiều hạng mục khang trang, hiện đại, thế nhưng đến nay, nhìn đi nhìn lại chưa hề thấy được một hạng mục nào hoàn chỉnh, đâu đâu cũng hư, nhẹ nhất là bị nước mưa rịn vô cửa kiếng. 3 hồ bơi được thiết kế xây dựng khá hiện đại, với kinh phí trên 7 tỷ đồng, từ lúc xây dựng xong (năm 2003) đến nay hoàn toàn chưa sử dụng được do bị bong gạch lát dưới lồng hồ; hệ thống thoát nước máy tràn không thoát nước; nước trong hồ bơi chưa được xử lý… nên đang trở thành hồ chứa nước đầy rong rêu.

Từ trung tâm huyện Bình Chánh, chúng tôi ghé CLB VH-TDTT liên xã Tân Nhựt, cách đó hơn mười cây số. Công trình sau khi xây dựng trên 200 triệu đồng, sử dụng chỉ được vài lần, rồi bỏ hoang phế, mặc cho cây cỏ mọc um tùm.

Chúng tôi còn phát hiện Khu vui chơi dành cho thiếu nhi ở xã Tân Nhựt – cạnh Di tích Láng Le cũng đang kêu cứu trầm trọng. Tất cả trang thiết bị trò chơi ở đây gần như đã hư hỏng, chỉ còn mỗi cái cầu tuột bằng xi măng nằm trơ trụi…

Lãng phí vì thiếu quy hoạch tổng thể ảnh 2

Nhà hát An Nhơn Tây, huyện Củ Chi đang xuống cấp, hoang tàn.

Trở lại Trung tâm văn hóa quận 12, cảnh hàng quán, cửa hiệu kinh doanh thức ăn, thức uống… vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có duy nhất cửa hàng bán sắt xây dựng là không còn nữa. Một dãy 23 ki ốt cho thuê mua bán, kinh doanh, giờ có cả tiệm sửa chữa – gắn máy… Các quán cơm, nước mía… buôn bán rất mất mỹ quan.

Rời quận 12, chúng tôi hướng về Nhà hát An Nhơn Tây (Củ Chi). Những hình ảnh hoang phế của nhà hát hiện ra trước mắt chúng tôi, không ai còn dám tin rằng nơi đây xưa kia từng là điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ hàng ngàn người dân!

Ngay phía mặt tiền của nhà hát giờ rất lầy lội, nước đọng vũn đều khắp và là trạm dừng của xe buýt ra vào thường xuyên nên trông càng dơ bẩn. Sân khấu ở đây giờ hư hỏng nặng, các tấm ván dưới sàn diễn đã bị một số kẻ xấu tháo trộm trống toát; các hàng ghế xi măng đã bắt đầu đổ nát và trở thành nơi phơi quần áo của một số người dân gần đấy. Trong khuôn viên nhà hát giờ xuất hiện một hố rác.

Cô Nguyễn Thị Nỡ, cư ngụ gần nhà hát này tỏ vẻ bức xúc: “Trước kia, nơi đây là điểm sinh hoạt văn hóa rất lành mạnh. Khoảng 3, 4 năm nay, nhà hát được sửa chữa lại, nhưng càng tệ hại hơn. Đất nền nhà hát đang cao ráo, tự dưng người ta cho xe ủi đất đến nạo đi một lớp đất mặt, khiến bây giờ nơi đây thấp hơn mặt đường nhựa, trời mưa là đọng nước. Tường rào đang cao ráo, được đập phá đi, xây lại hàng rào khác thấp hơn. Còn mặt tiền của nhà hát, phía Tỉnh lộ 15 có một dãy phòng gồm phòng thư viện, bảo vệ và một số phòng chức năng khác, cũng bị đập bỏ đi. Cứ để nhà hát hoang phí thế này, ai thấy không đau lòng. 

ĐỖ HẠNH
 

 Chính quyền địa phương tiếp tục hứa khắc phục

Ông
Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND quận 12:

Sau khi báo SGGP phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra, tổ chức họp với Trung tâm Văn hóa và các hộ kinh doanh lại để chấn chỉnh. Đến nay, tình hình đã có nhiều chuyển biến lắm rồi. Vệ sinh trước các ki ốt đã sạch hơn trước, một số ki ốt đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho phù hợp hơn.

Nguyễn Thị Việt Thùy - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh:

Việc công trình TTVH-TDTT huyện kém chất lượng, chúng tôi cũng rất bức xúc và đã tổ chức họp 6 lần rồi, nhưng đến nay hạng mục hồ bơi vẫn chưa thể khắc phục được. Trong cuộc họp gần đây nhất, đơn vị thi công là Công ty Xây dựng số 4 đã nhờ Ban quản lý dự án kêu giúp một đơn vị khác sửa chữa, nhưng thực tế phát sinh công việc nhiều hơn lúc thỏa thuận nên đến nay vẫn chưa sửa chữa. Chúng tôi sẽ cân nhắc lại việc đơn vị này xây, đơn vị khác sửa, nhưng kiên quyết từ nay đến cuối năm 2005 sẽ giải quyết xong, nếu không, chúng tôi sẽ nhờ Thanh tra Chính phủ giải quyết.

Về công trình văn hóa ở xã Tân Nhựt, sau khi Báo SGGP phản ánh, chúng tôi có khảo sát thực tế và thấy bây giờ nếu sửa chữa để hoạt động e cũng không hiệu quả lắm vì địa điểm này nằm ở vị trí không thuận tiện cho người dân tới lui sinh hoạt và cả nghệ sĩ về biểu diễn. Chúng tôi đang tìm địa điểm khác thuận lợi hơn để xây dựng nhà văn hóa xã luôn.

Công trình vui chơi cho thiếu nhi ở xã Tân Nhựt, cạnh di tích Láng Le tôi chưa hề biết đến, nên phải xem xét lại mới trả lời được!

Cao Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi:

Nhà hát An Nhơn Tây đang hoang phế, xuống cấp như hiện nay chúng tôi rất đau lòng và bức xúc. Kế hoạch sửa chữa, nâng cấp nhà hát thành một nhà văn hóa phục vụ dân cư 6 xã phía Bắc (An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Phú Hòa Đông) đang được tiến hành. Từ nay đến cuối năm 2005, chúng tôi quyết tâm sửa chữa lại một số hạng mục công trình với kinh phí ước tính khoảng trên 1 tỷ đồng, để có thể đưa các hoạt động văn hóa văn nghệ đến phục vụ nhân dân.

Tiếp theo sẽ xây dựng mới phòng thư viện – đọc sách, cùng một số phòng chức năng để có thể phục vụ các câu lạc bộ đội – nhóm… sau khi sửa chữa, muốn hoạt động được đòi hỏi phải tăng thêm kinh phí cho Trung tâm văn hóa huyện mỗi năm ít nhất là 200 triệu đồng mới có thể duy trì được. Sau này, những hoạt động văn hóa văn nghệ ở Nhà hát An Nhơn Tây vẫn tiếp tục do Trung tâm văn hóa huyện đảm đương. Cái khó hiện nay là nhân lực, cán bộ văn hóa có chuyên môn của Củ Chi quá ít.

Tin cùng chuyên mục