Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Ngổn ngang, dang dở do thiếu tiền

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng công trình kiến trúc các dân tộc, nay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn ngổn ngang, hoang vắng (Báo SGGP phản ánh ngày 23-10). Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Lâm Văn Khang, quyền Trưởng ban Quản lý dự án làng văn hóa, xung quanh vấn đề này.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Ngổn ngang, dang dở do thiếu tiền

>> Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: To, rộng mà… hoang vắng

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng công trình kiến trúc các dân tộc, nay Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn ngổn ngang, hoang vắng (Báo SGGP phản ánh ngày 23-10). Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Lâm Văn Khang, quyền Trưởng ban Quản lý dự án làng văn hóa, xung quanh vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Theo kế hoạch, việc xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cơ bản sẽ hoàn thành trong năm 2015. Song tại thời điểm này, rất nhiều kiến trúc tại làng còn dang dở, ngổn ngang. Tại sao có sự chậm trễ về tiến độ như vậy?

- Ông LÂM VĂN KHANG: Năm 2008, kế hoạch xác định ngân sách nhà nước đầu tư 3.200 tỷ đồng. Nếu dự án được cấp vốn sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản vào năm 2015. Nhưng thực tế, ngân sách cấp hàng năm khó khăn; riêng dự án này, đến năm 2015, ngân sách cấp được khoảng 35% và đến nay là 37% vốn. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều công trình không hoàn thành do thiếu vốn.

Vừa qua, làng văn hóa đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh tiến độ kéo dài đến năm 2020 (với điều kiện có được vốn trung hạn). Chúng tôi cũng đã chủ động điều chỉnh các dự án để quy mô phù hợp với thực tế hơn. Cụ thể như trước đây, 1 dân tộc sẽ có 10 công trình kiến trúc tiêu biểu nhưng nay chỉ ưu tiên đầu tư những công trình đặc trưng nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, phải tạm hoãn chứ chưa cắt bỏ hoàn toàn; khi có điều kiện phù hợp sẽ tiếp tục xây dựng bổ sung cho đầy đủ. Cùng đó, làng văn hóa cũng điều chỉnh các dự án thành phần theo hướng mở để có thể thu hút kêu gọi các nguồn vốn khác (ngoài ngân sách Nhà nước) như dự án tâm linh, dự án khu lâm viên, làm đẹp khung cảnh… Những dự án có khả năng xã hội hóa, chúng tôi không sử dụng ngân sách nữa.

Nhiều hạng mục tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn ngổn ngang

* Làng có vị trí đẹp, thuận lợi giao thông nhưng việc kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa dường như chưa phát huy được hiệu quả. Khó khăn ở đây là gì?

- Thực tế, cũng có đối tác đến tìm hiểu để hợp tác khai thác nhưng nhiều người “một đi không trở lại”. Có thể, họ chưa tìm thấy những nguồn lợi hấp dẫn ở đây. Có doanh nghiệp tới khảo sát đầu tư khu lâm viên nhưng họ đang đắn đo đợi chính sách ưu đãi. Một số doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, khai thác mặt nước… nhưng mới chỉ là ý định, chưa có quyết định hợp tác cụ thể nào.

* Tới thời điểm này, nhiều công trình kiến trúc lớn ở làng đã hoàn tất, nhưng việc vận hành đang gặp khó khăn. Ban quản lý có tính đến việc hợp tác với những doanh nghiệp có kinh nghiệm để khai thác hiệu quả?

- Làng vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng phương án khai thác cục bộ, làm xong đến đâu khai thác đến đó được đặt ra, tuy nhiên tình trạng ngổn ngang như vậy muốn thu hút khách cũng khá khó. Cùng với việc hợp tác với các công ty lữ hành, ngoài các hoạt động thường niên, làng cũng tự đứng ra tổ chức nhiều sự kiện văn hóa vào dịp cuối tuần. Làng đã tạo cơ chế cho các nhóm đồng bào địa phương về làng hoạt động mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Với những đồng bào các dân tộc ở xa, khi về làng phải có thu nhập và giúp họ khoản phụ cấp… Cơ chế đã cởi mở hơn, cho phép bà con nhận thù lao từ du khách nếu phục vụ ăn uống cũng như các dịch vụ biểu diễn nghệ thuật. Năm nay có 8 đồng bào dân tộc, sang năm có thể tăng lên 15.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu mô hình các công ty du lịch khai thác dịch vụ homestay (ăn nghỉ ở nhà dân). Chúng tôi mời họ cùng tham gia khai thác các hạng mục. Thay vì mình mời các nhóm đồng bào dân tộc về sinh sống, hoạt động tại làng thì công ty này sẽ đứng ra điều hành công việc đó. Trong khi tìm kiếm những nhà đầu tư lớn có thể vận hành toàn bộ làng, chúng tôi sẽ chia nhỏ ra để nhiều doanh nghiệp du lịch có cơ hội đầu tư.

* Trong khi tình trạng chung ở làng đang “cửa đóng then cài” chưa được giải quyết nhưng phương án bán vé cho du khách đang được xúc tiến. Điều này có hợp lý?

- Trong tháng 10 này, chúng tôi bố trí khu vực bán vé ở mức độ thấp để thử nghiệm (chưa thu tiền). Mọi khách khi đến làng đều phải qua khu vực lễ tân và họ sẽ tiếp nhận thông tin về làng ở đây; khi đó việc tham quan, khám phá làng sẽ có hiệu quả hơn.

Tại mỗi khu nhà của đồng bào, chúng tôi muốn bố trí thuyết minh ở mỗi khu nhà nhưng do cơ chế mới, việc tuyển người rất khó. Đã tổ chức tuyển thuyết minh viên nhưng chỉ tuyển được 2 người do địa điểm làm việc xa, không hấp dẫn những người giỏi. Hy vọng rằng, khi việc bán vé được thực hiện, đem lại nguồn thu để tái đầu tư cho hoạt động của làng sẽ tạo nên sinh khí mới cho làng.

THU HÀ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục