Lãnh đạo còn ngại tiếp dân

Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu các cơ quan hành chính định kỳ hàng tuần và hàng tháng phải tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân, để người dân đến thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực tế, tại một số cơ quan hành chính ở TPHCM, quy định này đã không được thực hiện nghiêm chỉnh, phần lớn đều lấy lý do bận họp, công tác đột xuất để né tránh tiếp dân…
Lãnh đạo còn ngại tiếp dân

Luật Tiếp công dân quy định người đứng đầu các cơ quan hành chính định kỳ hàng tuần và hàng tháng phải tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân, để người dân đến thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực tế, tại một số cơ quan hành chính ở TPHCM, quy định này đã không được thực hiện nghiêm chỉnh, phần lớn đều lấy lý do bận họp, công tác đột xuất để né tránh tiếp dân…

Trụ sở tiếp công dân quận Bình Tân lúc 9 giờ 5 phút ngày 25-11-2016. Theo lịch được niêm yết, trong ngày này, Chủ tịch UBND quận Bình Tân sẽ tiếp dân

Phải đăng ký trước, lãnh đạo mới tiếp

“Xin lỗi, cho tôi hỏi hôm nay lãnh đạo quận có tiếp công dân không ạ?”, ông H. đang ngồi chờ ở phòng làm việc của Ban Tiếp công dân quận Bình Tân vội đứng dậy chạy lại hỏi một nhân viên vừa từ trong bước ra. “Lãnh đạo đâu có ngồi ở đây cho anh gặp hay hướng dẫn, giải thích thủ tục cho anh được. Muốn gì, anh cứ nộp đơn ở đây để tôi trình lãnh đạo”, nhân viên đeo bảng tên T.V.X. nói. “Theo lịch, hôm nay thứ sáu ngày 25-11, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch quận, tiếp công dân”, ông H đọc to bảng thông báo lịch tiếp dân dán trên tấm bảng treo phía trong căn phòng. “Nhưng phải đăng ký trước gặp về việc gì để các bộ phận chức năng còn chuẩn bị mới tiếp được”, nhân viên T.V.X. nói.

Đến Ban Tiếp công dân quận 6, chúng tôi được một nữ nhân viên trực cho biết, theo lịch, sáng thứ tư hàng tuần Chủ tịch UBND quận Ngô Thành Luông tiếp công dân. Quy định là chỉ có chủ tịch tiếp, nhưng nếu người dân yêu cầu gặp phó chủ tịch nào thì phó chủ tịch đó tiếp. “Anh muốn gặp chủ tịch hay phó chủ tịch nào thì đăng ký tại đây tôi trình lên, có bút phê đồng ý tiếp thì tôi mới xếp lịch”, nữ nhân viên trực nói. “Thế tôi muốn gặp chủ tịch quận để phản ánh thì sao?”, chúng tôi hỏi. “Có gì anh nói tôi nghe đi để tôi biết đường trình lên lãnh đạo”. “Không, tôi muốn gặp chủ tịch theo lịch đã công bố”. “Có khi đúng ngày tiếp dân mà chủ tịch đi họp đột xuất trên thành phố thì cũng đành chịu”, nữ nhân viên trực giải thích với chúng tôi.

Tại UBND phường 9 (quận 5), khi chúng tôi hỏi lịch tiếp dân của chủ tịch thì một nữ nhân viên văn phòng UBND nói: “Anh có chuyện gì cứ nói với tôi, đâu nhất thiết phải có lịch lãnh đạo tiếp”. “Tôi muốn biết lịch tiếp dân hàng tuần”, tôi hỏi. Nữ nhân viên trực trả lời: “Anh ra bảng đằng kia xem”. “Hàng tuần vào thứ năm, chủ tịch UBND phường tiếp dân”, chúng tôi đọc lịch tiếp công dân được dán trên bảng thông báo. Nữ nhân viên trực nói: “Lịch là vậy chứ gặp đúng hôm đó có họp đột xuất, chủ tịch đâu có thể tiếp được. Anh cần gì cứ đăng ký trước đi để tôi trình xem lãnh đạo có tiếp được không”.

Phải tiếp dân đúng với lịch công bố

Đó là khẳng định của ông Phan Thanh Tuấn, Phó ban Tiếp công dân TPHCM, trong cuộc trao đổi với chúng tôi về những quy định của Luật Tiếp công dân. Theo ông Tuấn, lịch tiếp dân đã được niêm yết thì đúng ngày, người đứng đầu cơ quan hành chính phải đến trụ sở tiếp công dân, ngồi đúng vị trí của mình để bất kỳ người dân nào lên gặp là tiếp ngay. “Đã là tiếp dân định kỳ theo lịch, chủ tịch UBND quận, huyện tiếp 2 ngày/tháng, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn tiếp 1 ngày/tuần, thì phải thực hiện đúng. Tới ngày tiếp mà không tiếp là sai. Nếu người đứng đầu cơ quan hành chính tới ngày tiếp dân mà bận họp, hoặc công tác đột xuất thì phải thông báo cho dân biết, xin lỗi dân và dời sang ngày khác tiếp. Tuy nhiên, lâu lâu mới đột xuất dời ngày chứ cứ lấy lý do bận họp, công tác đột xuất để né tiếp công dân là không được. Làm vậy là sai so với luật”, ông Phan Thanh Tuấn nói.

Qua nội dung trao đổi trên, theo chúng tôi ở những cơ quan hành chính không thực hiện đúng với quy định của Luật Tiếp công dân, trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu. Chưa kể, qua đi thực tế tại một số cơ quan hành chính, chúng tôi thấy nhiều nơi không có nội quy tiếp công dân, không niêm yết lịch tiếp công dân, hoặc có niêm yết nhưng treo ở góc phòng, rất khó theo dõi. Ở cấp quận, huyện đều đã bố trí nơi tiếp công dân thuận lợi, thoáng mát. Thế nhưng, ở cấp phường, xã, thị trấn thì hầu hết không có nơi tiếp dân đủ điều kiện và thường giao cán bộ tư pháp tiếp dân, tiếp nhận sự việc, đơn từ để trình lãnh đạo… Sự thiếu bảo đảm những điều kiện này ít nhiều gây khó khăn cho người dân khi thực thi quyền được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo luật định.

“Trong 9 tháng năm 2016, Ban Tiếp công dân TP đã tiếp 2.127 lượt công dân (giảm 11,82% so với cùng kỳ); trong đó, khiếu nại 883, tố cáo 149, tranh chấp 47, phản ánh, kiến nghị 1.048. Lãnh đạo ban đã tiếp 47 buổi/576 lượt công dân”.

 (Nguồn: Ban Tiếp công dân TPHCM)

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục