Vụ chết người do rò điện

Lãnh đạo ngành chiếu sáng công cộng nhận trách nhiệm

- PV:
Lãnh đạo ngành chiếu sáng công cộng nhận trách nhiệm

* kiểm tra mạng lưới điện chiếu sáng trên địa bàn TPHCM

Lễ tang em Cồ Quốc Duy - Đừng để tái diễn nỗi đau này. Ảnh: T.Vũ

Lễ tang em Cồ Quốc Duy - Đừng để tái diễn nỗi đau này. Ảnh: T.Vũ

Cái chết thương tâm của em Cồ Quốc Duy (P.5, Q.5, TPHCM) vào tối 31-8 tại trụ đèn chiếu sáng số 86, góc ngã tư Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo (phường  2 quận  5) đã gây xôn xao dư luận về vấn đề an toàn điện trong mùa mưa. Vì đâu gây nên sự cố đau lòng này? Chúng tôi đã gặp lãnh đạo ngành chiếu sáng công cộng và điện lực để nghe họ nói…

Trưa 3-9, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trọng Huệ, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, cho biết: “Không đúng như dư luận lên tiếng là chúng tôi đùn đẩy trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn thương tâm khiến em Cồ Quốc Duy bị tử vong do trụ đèn chiếu sáng bị rò rỉ điện”. Ông khẳng định: “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm chính trong vụ việc này và xin được lo toàn bộ hậu sự tang gia và thành thật chia buồn cùng gia đình”.

Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, công ty đã cử một đoàn cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra hiện trường và đo đạc thấy trụ đèn bị nhiễm điện. Sáng 3-9, lãnh đạo công ty tiếp tục làm việc với các chuyên gia kỹ thuật an toàn về điện để phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Nguyên nhân ban đầu là điểm đấu nối dưới chân trụ bị ngâm nước khá lâu, trong khi đó hệ thống bảo vệ không tự cắt điện (rờ le không nhảy), dây tiếp địa lâu ngày bị ôxy hóa… cũng dẫn đến nhiễm điện. Ông Huệ nói thêm: “Tuy nhiên, từ sự cố này, chúng tôi thấy cần xem xét thêm nguyên nhân khách quan liên đới như mưa gây ngập, đường ở nơi xảy ra tai nạn khá hẹp, nhiều ổ gà, hố sâu dưới mặt đường.

Có một điều đáng tiếc là giá như người dân gọi điện thoại trực tiếp cho công ty chiếu sáng thì biết đâu có thể cứu được em Duy…”. Sau sự cố này, công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc phải kiểm tra tất cả hệ thống đèn chiếu sáng, trụ đèn, tủ điện. Thế nhưng, trên thực tế người dân vẫn không khỏi âu lo trước những tai nạn chực chờ từ điện. Bởi lẽ, TP còn ngổn ngang các công trình đào đường, “lô cốt”, cải tạo vỉa hè… khiến trụ đèn chiếu sáng bị xâm hại, hư hỏng, bị ngập nước. “Về lâu dài, chúng tôi đang tìm giải pháp khắc phục hữu hiệu nhất để không xảy ra những trường hợp tử vong thương tâm do trụ đèn nhiễm điện”, ông Huệ nói.

K.Hà

- PV: Dư luận nói rằng do ngành điện lực cô lập nguồn điện quá chậm nên mới dẫn đến cái chết của em Duy, ông nghĩ gì?

Ông LÂM DU LONG, Giám đốc Điện lực Chợ Lớn: Hiện chúng tôi còn lưu lại toàn bộ băng ghi âm của ca trực điều độ hôm đó. Ca trực nhận được tin báo lúc 20 giờ 16 từ một khách hàng, giọng nữ và trưởng ca điều độ đã báo cho toán kiểm tra đang công tác trên đường Nguyễn Văn Cừ đến ngay góc Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo để kiểm tra. Tiếp đó, 20 giờ 21, thêm một khách hàng báo tin này. Do nước ngập, toán kiểm tra rất khó khăn mới vào được hiện trường. 20 giờ 27, toán kiểm tra yêu cầu ca trực điều độ cắt điện khẩn cấp và kết hợp công an bảo vệ hiện trường. 3 phút sau, toàn bộ tuyến trung thế Nguyễn Trãi - Tân Hưng 1 đã được cắt.

- Vì sao khi nhận được tin báo của dân, lại không cô lập ngay nguồn điện?

Thực ra, ngành điện chỉ cắt điện khẩn cấp khi có tin báo từ bên ngành PCCC. Ngay trong các ca trực điều độ, anh em nhận khá nhiều tin báo quấy rối. Hơn nữa, đây là tuyến dây trung thế giao liên nhiều lưới, phủ trên một địa bàn rộng, có nhiều bệnh viện và lúc bấy giờ có toán công tác đang ở gần hiện trường nên có thể kiểm tra ngay. Tuy nhiên, do trời mưa, nước ngập nên việc tiếp cận hiện trường, như đã nói, rất khó khăn.

- Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai và ngành điện đã làm gì, sau sự cố này để giảm thiểu các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra?

Trách nhiệm thì đã rõ ràng vì ngành điện không quản lý mạng lưới đèn chiếu sáng công cộng. Về phía chúng tôi, để tránh các sự cố có thể xảy ra, đã triển khai 8 công trình làm gọn dây thông tin trên lưới; cho kiểm tra các móng trụ ở sát bờ sông, kênh… để tránh đổ do sạt lở. Đồng thời, tiến hành kiểm tra các thùng điện kế, dây chằng, trụ sắt để không bị rò điện; kiểm tra các điểm tiếp địa để thiết bị đóng cắt hoạt động tốt khi có sự cố xảy ra…

C.T. thực hiện

Tin cùng chuyên mục