
Cuộc chiến tranh Đông Dương đã kết thúc 35 năm nay nhưng bom mìn của quân đội Mỹ dội xuống đất Lào vẫn rình rập và tiếp tục gây tổn hại cho người dân ở các vùng nông thôn nước này. Các chuyên gia LHQ ước tính phải mất thêm 100 năm nữa mới có thể thu gom toàn bộ số bom mìn còn sót lại ở Lào. Tuy nhiên, kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây cho biết, phải mất 300 năm nữa, Lào mới thực sự dọn sạch bom mìn chưa nổ…
UXO đe dọa
Theo thống kê, từ năm 1964 đến 1975, Mỹ đã ném xuống đất Lào khoảng 270 triệu quả bom, trong đó 80 triệu quả (chiếm 30%) không nổ. 14 trong tổng số 17 tỉnh, thành của Lào bị bom mìn chưa nổ (UXO) đe dọa.
Một cuộc nghiên cứu do Tổ chức Nghiên cứu UXO Lào và Cơ quan Điều phối quốc gia về chương trình bom mìn chưa nổ (National Regulatory Authority - NRA) tiến hành cho thấy, từ năm 1964 đến 2008, ở Lào có hơn 50.000 người trở thành nạn nhân của bom mìn. Trong số này, 30.000 người chết và 20.000 người bị thương, tức trung bình mỗi ngày có hơn một người “dính” bom sau chiến tranh.
Khoảng 26% nạn nhân của UXO ở độ tuổi dưới 18. Tuy nhiên, theo Maligna Saignavongs, cựu quan chức đứng đầu NRA và là trưởng đoàn đàm phán của Lào tại Hội nghị Bom chùm quốc tế, con số thực tế còn cao hơn nhiều. Ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, nhiều người đã đổ máu và chết, thi thể của họ bị thú ăn thịt và không ai biết họ “mất tích” vì UXO.

Số lượng bom do Mỹ thả ở Lào còn lớn hơn lượng bom do tất cả các bên ném xuống châu Âu trong Thế chiến thứ 2
Số lượng bom rơi ở Lào trong cuộc xung đột 1963-1974 còn lớn hơn lượng bom do tất cả các bên ném xuống ở châu Âu trong Thế chiến thứ 2. Thậm chí ngày nay, 35 năm sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc, 1/4 các ngôi làng ở Lào vẫn còn rải rác bom, đạn chùm và súng cối. Theo báo cáo của tổ chức quốc tế năm 2007, từ 9 triệu đến 27 triệu hạng mục bom mìn, thiết bị quân sự vẫn còn nguyên. Máy bay B-52 của Mỹ đã thả xuống khoảng 600 đơn vị bom chùm và phát tán tác động của chúng trên địa hình rộng lớn.
Tính đến tháng 6-2009, Nhóm tư vấn bom mìn có trụ sở tại Manchester, Anh (MAG) đã dọn sạch hơn 6,5 triệu m² đất ở Lào. Từ 2007 đến nay, 115 trường học không còn bom mìn chưa nổ và nhiều trường học trong số đó đã được tái sử dụng. Đó cũng là lý do Lào được chọn đăng cai Hội nghị lần thứ nhất Hiệp ước cấm bom chùm, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tới.
Hồi tháng 6-2010, một nhóm hỗn hợp Việt - Mỹ gồm các nhà hoạch định chính sách, các cá nhân và nhà khoa học lần đầu tiên công bố một kế hoạch hành động. Theo đó, chính phủ Mỹ và các nhà tài trợ đồng ý cung cấp khoảng 300 triệu USD trong vòng 10 năm tới để dọn sạch các khu vực còn bị ô nhiễm bởi hóa chất da cam và dioxin cũng như giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc này ở Việt Nam.
Theo Mike Boddington, người sáng lập Công ty Chấn thương chỉnh hình của Anh có trụ sở tại thủ đô Vientiane (COPE), thỏa thuận trên đã khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính phủ Mỹ không bồi thường thiệt hại do bom mìn của họ còn vướng lại rộng rãi trên đất Lào? Trong khi họ luôn luôn nỗ lực tỏ ra cho người dân biết rằng họ đã hỗ trợ rất nhiều cho quá trình làm sạch UXO hơn bất cứ quốc gia nào.
Một cuộc nghiên cứu của COPE cho thấy chính phủ Mỹ, các tập đoàn kinh tế, các quỹ từ thiện tư nhân đã quyên góp hơn 39,5 triệu để làm sạch UXO từ năm 1993 - một khoản “tiền vặt” so với hàng tỷ USD mà họ đã chi cho các cuộc chiến tranh gần đây. Một Ủy ban Thượng viện mới đây cho biết chỉ có 7 triệu USD dành cho việc làm sạch UXO ở Lào vào năm 2011 và 3,5 triệu USD cho các hoạt động tương tự tại Việt Nam.
Sự lãng quên cố ý
Trong một thời gian dài, cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Lào đã bị che đậy bằng nhiều mưu đồ và tin tức giả để đánh lạc hướng dư luận. Trong một bộ phim của Australia nhan đề Bomb Harvest có cảnh người phát ngôn chính phủ Mỹ nói rằng “các điều luật quốc tế được chấp nhận đối với các bên tham gia chiến tranh đã bị đình chỉ trong suốt chiến dịch vận động ở Lào”. Về phương diện pháp lý, điều đó có nghĩa sẽ tiếp tục còn đó những câu hỏi không thể giải quyết về việc ai phải chịu trách nhiệm đầu tiên đối với các nạn nhân UXO trong cuộc chiến tranh ở Lào, chính phủ Mỹ hay các công ty tư nhân sản xuất ra các loại vũ khí?
Gần đây, Mỹ hầu như chưa đóng góp gì để hỗ trợ các nạn nhân của UXO ở Lào. Theo NRA: “Mỹ đã hỗ trợ cho chúng tôi, nhưng phần lớn tiền được đưa vào mua những dụng cụ và thiết bị lỗi thời mà chúng tôi đã vứt đi”. Còn theo các luật sư quốc tế, những nguyên lý về bồi thường chiến tranh đã được chính phủ Mỹ phác thảo chung, sao cho kẻ bại trận không bị trừng phạt kinh tế về việc xâm lăng và cả mất mát ( nếu có) của họ. Nhiều nhà hoạt động theo dõi vấn đề này cho biết, trong khi không có một con số đáng kể nào để giúp đỡ Lào, ước tính Mỹ vẫn chi hơn 2 triệu USD/năm trong nỗ lực đưa hài cốt binh sĩ của họ bị “mất tích” tại Lào về nước.
Một cuộc nghiên cứu mới đây với nhan đề “National Survey of UXO Victims and Accidents” tiết lộ rằng ngoài bom chùm, mìn sát thương, nhiều vũ khí khác của Mỹ cũng đã tiếp tục gây những thiệt hại đáng kể hàng thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc. Nhiều nơi trên đất Lào dù trước đây không gần kề với những nơi từng là vùng chiến sự cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị thương do bom mìn sót lại.
Trong cuộc chiến, phần lớn số thương vong do bom mìn gây ra là những người lính. Ngày nay, đó là người nông dân, dân chài, nhân viên quản lý rừng, phụ nữ hoặc trẻ em đi cắt cỏ và kiếm sống ở những khu vực có UXO. Theo dữ liệu điều tra của UXO Lào và NRA, hầu hết các nạn nhân bị thương do UXO bị mất chân hoặc tay.
Có trường hợp cả 5 đứa trẻ cùng thiệt mạng ở miền Nam tỉnh Champassak hồi tháng 2. Cuộc điều tra cũng ước tính rằng khoảng 20.493 người ở Lào hiện nay cần được lắp bộ phận thân thể giả và chỉ có 583 người trong số họ được đáp ứng nhu cầu. Mỗi một chân giả có chi phí khoảng 60USD, điều này có nghĩa cần phải có 1,23 triệu USD cho việc lắp chân tay giả, chưa tính đến phần phục hồi chức năng và các chi phí liên quan khác.
Ô nhiễm do UXO cũng tiếp tục gây tổn thất kinh tế nặng nề cho đất nước nghèo này. Một dự án nông - lâm nghiệp ở Khammouane, gần biên giới với Việt Nam, mới đây cũng vừa phải hoãn lại khi khu vực mà người dân Lào muốn mở rộng chăn nuôi và trồng trọt được phát hiện đã nhiễm chất độc của UXO.

Phải mất hàng trăm năm, các nước ở khu vực Đông Dương mới dọn sạch được bom mìn còn sót lại
Trong bài viết mang tựa đề New case for US reparations in Laos (tạm dịch: Vụ kiện mới cho việc Mỹ ở Lào) đăng trên Asia Times ngày 4-9, tác giả Melody Kemp cho rằng chỉ khi nào những luật đền bù chiến tranh buộc những kẻ xâm lược và những công ty tư nhân đã cung cấp vũ khí phải đền bù cho tất cả những thương tật và trợ giúp cho những người không tham chiến mới giảm bớt mối nguy hiểm của những cuộc xung đột vũ trang trong tương lai.
Theo ông, sau nhiều năm nỗ lực, Việt Nam đã phần nào chiến thắng trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Lào đã không thu thập toàn diện các dữ liệu về ảnh hưởng của chất độc da cam và các chất khai quang hóa học khác trên lãnh thổ phía Nam của họ.
Cho đến nay, các nạn nhân UXO ở Lào chưa có bất kỳ một hành động pháp lý nào kiện chính phủ Mỹ tương tự như các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đã làm. Tuy nhiên, với 300 triệu USD phía Việt Nam vừa đạt được trong thỏa thuận mới đây với Mỹ, cho thấy có thể thay đổi được hoàn cảnh của Lào.
Tuy nhiên, với tốc độ khắc phục hậu quả chiến tranh như hiện nay, UXO Lào và NRA ước tính rằng phải mất 300 năm nữa mới dọn sạch được bom mìn chưa nổ của Mỹ ở đất nước này. Điều đó có nghĩa là mỗi năm tới, có thể sẽ có hàng ngàn người tiếp tục bị thương và thiệt mạng do UXO.
Trong lúc này, các bên ký Hiệp ước về bom chùm đang chuẩn bị gặp nhau vào tháng 11 tới tại Lào - quốc gia bị ảnh hưởng của bom chùm nặng nhất thế giới. Đây là hội nghị đầu tiên kể từ khi hiệp ước này chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8 vừa qua, sau khi được 40 nước phê chuẩn. Như vậy, cùng với Công ước cấm mìn sát thương cá nhân được ký kết năm 1997, Hiệp ước cấm bom chùm là một thắng lợi lớn của nhân loại, vì một thế giới không bom chùm.
XUÂN HẠNH