Trại giam, trong suy nghĩ bao người, là nơi có cuộc sống khắc nghiệt, đã rơi vào thì khó có thể hy vọng ở tương lai. Nhưng thực tế, qua lao động, dạy nghề - nội dung giáo dục cơ bản, nhiều phạm nhân đã hiểu được giá trị của lao động, gạt bỏ thói quen lười nhác, bóc lột, ỷ lại vào sức lao động của người khác. Với tay nghề được đào tạo, phạm nhân có thêm hy vọng vào một nẻo về rộng mở...
Lấy chứng chỉ nghề trong... trại giam
Lớp dạy nghề mộc của Phân trại 1 Trại giam Xuân Lộc (Z30A, Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp – Tổng cục VIII, Bộ Công an) luôn rộn rã tiếng máy cưa, tiếng đục đẽo chát chúa. Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Vượng (SN 1966, quê Nam Định, lãnh án 20 năm) có thâm niên đứng lớp đến hơn chục năm, làm “thầy giáo” truyền nghề cho 30 phạm nhân. Vượng chia sẻ, khi mới vào trại, nghĩ tới án dài mà ngao ngán. Được cán bộ động viên, Vượng tham gia lớp thi tuyển tay nghề mộc.
Sau một thời gian học hỏi, Vượng được đứng lớp, theo dõi, chỉ bảo cho phạm nhân các kỹ thuật cơ bản và trực tiếp xử lý những tình huống khó. Tối về phòng, Vượng lại lần giở các sách đồ họa mượn từ thư viện của trại, sao chép, biến tấu các mẫu mã có trong sách thành mẫu mã cho anh em học và thực hành.
Theo Vượng, sau khoảng 8 tháng học và thử tay nghề, phạm nhân có thể tự làm được các sản phẩm và sau đó có thể kèm người mới được. “Mình cũng chẳng giỏi giang gì đâu, chỉ đơn giản là đã “nhận” được nhiều từ trại giam thì phải “cho đi” để giúp anh em sau này có cái nghề bám trụ với đời.
“Cho đi” như thế cũng chính là “giữ lại” niềm vui, hạnh phúc, thanh thản cho chính mình để vượt qua những ngày dài trong trại rồi. Quan trọng nhất, chúng tôi cùng nhận ra giá trị, sức mạnh, niềm vui của lao động” - Vượng chiêm nghiệm.
Còn phạm nhân Lê Thị Thu Hồng (SN 1968, quê Bắc Giang), thụ án 11 năm 6 tháng về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tại Trại giam Thủ Đức, không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhận chứng nhận nghề bậc 3/7 may công nghiệp. “Điều không ngờ là trong trại, sau 3 tháng học, tôi đã thi đạt loại giỏi và được cấp chứng nhận nghề. Cứ như có bảo bối trong tay ấy”.
Đúng là như có “bảo bối” thật, bởi với tay nghề giỏi, khi mãn hạn tù, Hồng và các phạm nhân không khó để kiếm việc làm, đứng lên làm lại cuộc đời. Theo Hồng, làm việc thường xuyên, phạm nhân được cập nhật đầy đủ mẫu mã, xu hướng thời trang của cuộc sống nên khi ra trại các phạm nhân hoàn toàn có thể hòa nhập với cuộc sống.
Gắn với lợi ích của phạm nhân
|
Rất nhiều phạm nhân trước khi vào trại họ sống một cách buông thả. Khi vào trại giam, họ đều “sốc”. Có người, nhất là những người lãnh án cao thường có suy nghĩ tiêu cực, coi bước chân vào trại là cuộc đời mình cũng “chấm hết”. Sau này hồi gia cũng ngơ ngác không biết làm gì để kiếm sống. Đối với người bình thường, rèn luyện để có một tay nghề vững vàng là điều không dễ dàng, với các phạm nhân - những con người chịu khiếm khuyết về nhân cách, hạn chế về trình độ, sức khỏe… thì việc học nghề để sau này có thể “kiếm cơm” được là điều càng khó gấp bội.
Nên sau khi vào trại giam, dựa trên kết quả khám sức khỏe để phân loại lao động và nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân, ban giám thị các trại giam sẽ bố trí từng người theo học các ngành nghề phù hợp như: trồng trọt, nề, mộc, cơ khí, may mặc... Bằng kết quả lao động, đời sống vật chất, tinh thần của phạm nhân cũng được cải thiện khi họ được hưởng một phần thành quả lao động của mình cho những nhu cầu của cuộc sống.
Đặc biệt, chính quá trình lao động, học nghề mang lại hứng thú, niềm vui, hy vọng, giúp họ khám phá và phát huy những thế mạnh của bản thân, hiểu đúng giá trị bản thân mình mà trước đây, vì hành xử lệch lạc đã lướt qua. Giờ đây, họ biết quý trọng từng đồng tiền lẻ từ mồ hôi nước mắt của mình đổi được do cặm cụi lao động, trân trọng thành quả lao động của mình và của người khác.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, thời gian qua, các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng phối hợp với các trường nghề tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho gần 5.000 phạm nhân, trại viên, học sinh và hàng vạn lượt người được truyền nghề với các ngành nghề: may dân dụng, xây dựng, mộc, điện, cơ khí, sửa chữa xe máy, tin học văn phòng…
Công tác lao động, dạy nghề được đổi mới, đa dạng hóa theo hướng từ nông, lâm nghiệp thuần túy giản đơn sang phát triển cây công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – lao động dịch vụ. 55% phạm nhân, trại viên, học sinh làm các nghề tiểu thủ công nghiệp, tỷ lệ này tăng dần hàng năm.
Đường Loan