° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Theo Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thì người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH.
Hiện nay, pháp luật không có quy định về “Hợp đồng học việc”. Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định Hợp đồng lao động, Hợp đồng thử việc, Hợp đồng đào tạo nghề. Liên quan đến việc học nghề, tập nghề, Bộ luật Lao động 2012 quy định tại Điều 61, 62.
Theo đó, nếu người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Bản chất của hợp đồng học việc là người sử dụng lao động tiến hành đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người lao động chưa có kiến thức và/hoặc kỹ năng đối với công việc yêu cầu để người lao động có thể tự làm việc sau khi hoàn thành khóa học.
Điều này cũng được thể hiện qua quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động 2012 về Hợp đồng đào tạo nghề phải có nghề đào tạo, địa điểm và thời hạn đào tạo, chi phí đào tạo...
Như vậy, trường hợp hợp đồng học việc là hợp đồng đào tạo nghề thì không phải đóng BHXH.
° Nhân viên bán thời gian làm 4 tiếng/ngày, 26 ngày/tháng; lương mỗi tháng chỉ 2 triệu đồng. Mức lương này thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trường hợp này có phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) không? Nếu có thì vì sao phải đóng? (Bạn đọc có số điện thoại 0985667…)
° Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Trong khi đó, theo Luật BHXH, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, khi doanh nghiệp và người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia BHXH. Mức lương đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
° Người lao động không thường xuyên có thời gian làm việc không đủ 14 ngày/tháng (lao công, tạp vụ...), người lao động làm việc bán thời gian (cộng tác viên bán hàng), người lao động làm việc theo hợp đồng khoán việc (lập trình viên) nhận thù lao theo sản phẩm có phải là đối tượng tham gia BHYT, BHXH bắt buộc không? (Công ty TNHH Ingreetech, quận Bình Tân, TPHCM)
° Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014 quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT.
Căn cứ Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ 1-1-2018).
Trong khi đó, theo Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Như vậy, đối với đơn vị thực hiện chế độ làm việc dưới 26 ngày trong tháng, nếu tổng số ngày làm việc thực tế trong tháng dưới 1/2 tổng số ngày công thì người lao động không phải đóng BHXH và thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012.