Trong khi doanh nghiệp đỏ mắt tìm công nhân kỹ thuật, một số sinh viên tốt nghiệp lại thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành nghề. Nhân lực có tay nghề cao rất thiếu, trong khi số lao động có bằng cấp hẳn hoi nhưng chất lượng yếu lại không hề nhỏ. Vì sao có những nghịch lý này?
Lương cao vẫn khó tìm người
Theo thống kê mỗi năm các trường nghề cho ra lò hàng ngàn công nhân kỹ thuật từ bậc trung cấp đến đại học. Mặc dù lao động cho các ngành cơ khí, kỹ thuật ứng dụng, doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương khá cao. Anh Nguyễn Công Triều, công nhân kỹ thuật bậc 6/7, chuyên lắp đặt các nhà xưởng cho các khu công nghiệp hiện nay với mức lương cứng 12 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập trên không ít những kỹ sư, cử nhân hiện nay mơ ước.
Tuy nhiên, theo anh Triều hiện công ty anh vẫn rất khan hiếm lao động kỹ thuật có tay nghề cao như hàn, cơ khí chế tạo. “Chỉ cần tốt nghiệp trung cấp, thợ lành nghề thi công lắp ráp sửa chữa cơ điện lạnh, hàn công nghiệp, cơ khí chế tạo máy người lao động có thể nhận mức lương từ 5-8 triệu đồng/tháng; tốt nghiệp đại học trở lên thì mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Thế nhưng dù mức lương cao cùng với nhiều chính sách đãi ngộ thì các doanh nghiệp vẫn không tìm ra lao động tay nghề cao” – anh Triều nói.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, kết quả phân tích nhu cầu lao động của TPHCM năm 2011 không tăng nhiều. Nguồn lao động phổ thông không thiếu, nguồn lao động có kỹ thuật, trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học lại đang thiếu nghiêm trong.
Do đó vẫn có hiện tượng thừa lao động có trình độ do những bất cập như một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu trong khi một số ngành nghề hiện nay khủng hoảng thừa nhưng vẫn tiếp tục đào tạo. Điều đó cho thấy thị trường lao động vẫn tiếp tục mất cân đối giữa đào tạo và việc làm, đặc biệt là kỹ năng nghề.
“Các lĩnh vực kinh doanh, kỹ thuật, lao động phổ thông, công nghệ thông tin vẫn là những ngành nghề được doanh nghiệp rao tuyển nhiều nhất. Sự thiếu hụt lao động sẽ tiếp tục diễn ra, nhất là ở nhóm ngành kỹ thuật ứng dụng. Do tâm lý người lao động thích học những ngành nghề được ngồi trong máy lạnh và “oai” hơn những ngành nghề suốt ngày phải đổ mồ hôi trên công trường hay trong nhà máy.
Một số trường nghề cũng đang chạy theo sở thích của học viên mà chưa có bước định hướng về nhu cầu lao động cho học viên. Chính vì vậy mà nguồn lao động kỹ thuật thiếu hụt là điều tất yếu” – ông Tuấn bày tỏ.
Đâu là hướng ra?
Nhu cầu nhân lực và tuyển dụng tuy nhiều nhưng nguồn cung lao động kỹ thuật cao không thể đáp ứng. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp khi đăng tin tuyển dụng thường tuyển những lao động chưa có kinh nghiệm để đào tạo theo yêu cầu của họ hơn là tuyển dụng lao động có tay nghề nhưng lại không được đào tạo một cách bài bản, với những kiến thức mới được cập nhật.
Chủ một doanh nghiệp luôn lắp ráp và bảo hành xe ô tô bày tỏ: “Tôi đã nhiều lần đến các trường nghề có tiếng tăm để tuyển dụng công nhân. Tuyển được người đã khó, nhưng chất lượng của các lao động kỹ thuật được đào tạo hiện nay cũng cần phải đánh giá lại. Máy móc trong các trường đào tạo nghề đã cũ kỹ, trong khi các doanh nghiệp lại trang bị những máy móc hiện đại. Nếu tuyển chắc chắn chúng tôi phải đào tạo lại hoặc chỉ phân công vào làm việc ở những khâu đơn giản như vận hành máy móc, thiết bị và sửa chữa giản đơn, còn các khâu phức tạp, cần kỹ thuật cao thì đa số là do lao động nước ngoài đảm nhiệm”.
Theo khảo sát, có đến 68% doanh nghiệp công nghiệp không hài lòng với chất lượng của cán bộ kỹ thuật. Mặt khác, đào tạo nhân lực của các trường hiện nay chưa gắn với thị trường lao động. Điều này gây khó khăn cho việc tái cơ cấu đầu tư, tăng ngành nghề có hàm lượng chất xám, công nghệ kỹ thuật cao, đặc biệt khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế.
Để giải bài toán thiếu lao động kỹ thuật, không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng đi riêng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp thường chọn cho mình một số công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, huấn luyện họ thành nhưng thợ giỏi, thậm chí đưa đi đào tạo ở nước ngoài theo từng chuyên ngành sau đó rút họ về làm công tác đào tạo lại và huấn luyện cho đội ngũ công nhân kỹ thuật của mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, cần mạnh dạn hợp tác cùng các trường nghề nước ngoài hoặc nước ngoài đầu tư vào trung tâm dạy nghề chuyên nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại xí nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động hợp lý, tăng hàm lượng chất xám trong lao động, tái đào tạo nguồn nhân lực hướng đến bền vững.
Về lâu dài, để có được nguồn nhân lực tốt cho phát triển kinh tế, thành phố cần có ngay giải pháp vừa cấp bách vừa cơ bản là phát triển một hệ thống đào tạo nghề cho đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ cần thiết, theo cơ cấu hợp lý, có khả năng thích ứng với công nghệ mới, cập nhật các kiến thức kỹ năng cần thiết, trong đó các trường đào tạo nghề đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, GDP của TPHCM sẽ tăng 12% nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2011, qua khảo sát và phân tích sẽ cần 265.000 lao động, trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 45%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 20%. Chỉ tính riêng lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp chiếm khoảng 35%. Tổng hợp nhu cầu của trên 6.000 doanh nghiệp cho thấy những ngành có nhu cầu tuyển nhiều trong năm 2011 là cơ khí, điện, điện tử, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, cơ khí, mộc - mỹ nghệ, trang trí nội thất, xây dựng, chế biến thực phẩm, bán hàng... sẽ thiếu. |
Hồ Thu