Lao động thời vụ có phải đóng BHXH?

Khoản 3, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
* Do đặc thù của ngành nghề và những khó khăn trong thời gian đầu hoạt động nên hầu hết nhân sự trong công ty đều ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc theo sản phẩm, thời gian làm việc không cố định hoặc bán thời gian. Vậy việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện (nếu có) cho người lao động được quy định như thế nào? (Công ty TNHH INGREETECH, quận 1, TPHCM)
- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Khoản 3, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Luật BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (thực hiện từ ngày 1-1-2018). Thực hiện theo quy định trên, trường hợp doanh nghiệp và người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia BHXH bắt buộc và người lao động vẫn được hưởng các chế độ, nghỉ phép, chế độ trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng như đối với lao động làm trọn thời gian.
* Công ty tôi ký hợp đồng nguyên tắc với một người, tiến hành thanh toán theo đợt, tức là khi nào anh ta làm xong thì trả tiền, không quy định thời gian cụ thể. Vậy trường hợp này có phải đóng BHXH không? Nếu phải đóng thì đóng như thế nào? (LÊ THÚY, thuyle1619…@gmail.com)
Luật BHXH năm 2014 quy định, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH. Thực hiện theo quy định trên, trường hợp doanh nghiệp và người lao động giao kết hợp đồng có thời hạn 1 tháng trở lên thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Mức lương đóng BHXH không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
* Doanh nghiệp phải mua BHYT bắt buộc cho người lao động, đồng thời cũng phải mua bảo hiểm quốc tế cho nhân viên, thuyền viên đi tàu quốc tế. Tuy nhiên, khi có bệnh tật, tai nạn thì người lao động phải khám điều trị ở nước ngoài. Như vậy BHYT mua tại Việt Nam có thanh toán lại một phần chi phí hay không? (Công ty TNHH TM và DV LONG HƯNG, quận Phú Nhuận, TPHCM)
Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi; song, người lao động vẫn phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương làm cơ sở trích nộp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trước khi được cử đi học tập, công tác tại nước ngoài. 
Thực hiện theo quy định trên, trường hợp sĩ quan thuyền viên được cử đi làm việc tại nước ngoài theo quyết định của công ty, có thời gian ngày đi, ngày về cụ thể thì không phải đóng BHYT, nhưng sẽ được tính là thời gian tham gia BHYT. Các trường hợp khác vẫn thực hiện đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ theo quy định.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, 
Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục