Lao động trí thức nông thôn về đâu?

Lao động trí thức nông thôn về đâu?

Ngày hội việc làm các quận - huyện phía Bắc TPHCM vừa diễn ra tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hóc Môn. Trong ngày hội việc làm, có một hiện tượng đáng chú ý: nhiều lao động có trình độ đại học ở ngoại thành đang gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm tại địa phương.

  • Kỹ sư, cử nhân long đong tìm việc
Lao động trí thức nông thôn về đâu? ảnh 1
Lao động ngoại thành chen lấn nhau xem nhu cầu tuyển dụng.

Nguyễn Văn Phú (ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), tốt nghiệp Đại học Kinh tế đến với ngày hội việc làm lần này mang theo hy vọng tìm được một công việc thích hợp với khả năng và trình độ của mình. Đây là điều mà Phú mơ ước từ 3 năm nay.

Nguyễn Thành Danh (ở Củ Chi) nói với tâm trạng lo lắng: “Mặc dù đã được Công ty Minh Việt nhận đơn, nhưng từ gửi đơn đến việc vẫn còn khoảng cách khá xa.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật năm 2002, xin việc ở địa phương mãi không được nên tôi đành phải đi làm xa hơn 30 cây số - tận Thủ Đức. Lương bổng không bao  nhiêu nhưng mỗi ngày tiền xăng xe đã hết gần 20.000 đồng.

Tôi muốn trở về địa phương làm việc cho bớt vất vả và dành dụm được chút ít tiền. Dù đã chạy gõ cửa từ công ty này cho đến công ty khác tôi vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối”.

Đáng buồn hơn là trường hợp của Nguyễn Thuý Liễu (ở Củ Chi), có trong tay 2 bằng Makerting và Đại học Kỹ thuật công nghệ nhưng từ Củ Chi sang Hóc Môn rồi quận 12, không nơi nào chịu nhận, dù một lần thử việc. Lê Thị Châu (ở Củ Chi) cũng rơi vào trường hợp chấp nhận làm việc xa gia đình.

Tốt nghiệp cử nhân Đông phương học Trường Đại học KHXH-NV, Châu long đong tìm việc khắp mọi nơi ở ngoại thành, cũng chẳng nơi nào nhận việc, đành phải xuống tận Khu chế xuất Tân Thuận quận 7 để làm việc cho một công ty may.

Tương tự, Nguyễn Anh Khoa (ở Hóc Môn), tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TPHCM,  ra trường làm 10 bộ hồ sơ để tìm việc  ở Củ Chi và Hóc Môn, nhưng 3 năm qua vẫn long đong; giờ đành chấp nhận cảnh mỗi ngày phải xuống tận quận 3 để làm việc cho một doanh nghiệp cơ khí. Mỗi tháng nếu trừ đi các khoản tiền xăng xe đi lại, ăn uống, còn lại chẳng được là bao. Chỉ tội nghiệp cha mẹ, nuôi con hàng chục năm, mong có được cái chữ cái nghề đỡ vất vả, giờ có bằng trong tay vẫn phải ăn bám!”.

  • Cơ hội nào cho lao động trí thức?

Hiện nay, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12 mỗi năm có khoảng 2.000 học sinh đậu vào các trường đại học công lập và bán công. Có nghĩa là mỗi năm có hàng ngàn lao động trí thức ra trường và về địa phương tìm việc. Thế nhưng, việc làm cho đội ngũ cử nhân, kỹ sư này ở ngoại thành vẫn còn quá ít.

Chúng ta đã nói nhiều về việc trải thảm đỏ, thu hút chất xám về với địa phương, nhưng trong thời gian qua hầu như các huyện - quận ven vẫn chưa có chương trình nào làm cầu nối, thu hút nguồn nhân lực này. Phần lớn nguồn nhân lực này thường rơi vào tình cảnh làm trái ngành nghề đã học hoặc thất nghiệp.

Ông Nguyễn Văn C. (ở Tân Thạnh Tây, Củ Chi) cho biết, bao nhiêu ruộng vườn phải bán dần để nuôi 4 đứa con vào đại học, nhưng khi tốt nghiệp ra trường, chạy việc làm “bở hơi tai” chẳng đứa nào có việc làm ngay tại địa phương.

Ông Mai Khâm, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hóc Môn, nhìn nhận: “Qua ngày hội việc làm này mới thấy lao động trí thức tại các huyện và quận ven gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, phần lớn các em sau khi tốt nghiệp ra trường đều phải tự tìm việc. Vì vậy, không ít những cử nhân, kỹ sư chấp nhận làm trái nghề, đi làm xa hoặc thất nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các gia đình khi cho con đi học đại học”.

NGUYỄN PHƯƠNG LAM

Tin cùng chuyên mục