Chiều 3-3, tại Hà Nội, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) đã chủ trì cuộc họp báo để thông tin về vấn đề đưa lao động từ Libya về nước.
Lập tổ công tác đón lao động tại sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ LĐTB-XH đã đề nghị đại diện Văn phòng hợp tác kinh tế của Libya tại Hà Nội hỗ trợ phía Việt Nam di tản số lao động Việt Nam còn kẹt trong lãnh thổ Libya ra biên giới. Tính đến chiều 3-3, chúng ta đã và đang triển khai đưa được 9.751 công dân Việt Nam ra khỏi Libya đến Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Hy Lạp và Algeria.
Có 8.252 người đã được sơ tán sang các nước thứ 3, trong đó sang Ai Cập là 841 người; sang Hy Lạp 943; 1.314 người sang Tunisia; 2.514 người sang Thổ Nhĩ Kỳ... Hiện 5 đoàn công tác của Chính phủ đang có mặt ở 5 quốc gia tập trung công dân Việt Nam di tản đến. Tunisia được coi là “đại bản doanh” giải quyết sự cố này. Tính đến chiều qua, 2.742 lao động đã về nước.
Cũng theo ông Hải, có 1.121 lao động (tập hợp từ nhiều cảng biển khác nhau) đang trên đường về Việt Nam bằng đường biển (đã khởi hành sáng 3-3, sẽ cập cảng Hải Phòng). Tuy nhiên, thời gian số lao động này về tới Hải Phòng hiện chưa xác định được. Riêng hôm qua 3-3, theo dự kiến có thêm có 380 lao động về tới Việt Nam vào lúc 10 giờ sáng bằng máy bay nhưng đến chiều tối qua vẫn chưa tới nơi. Ngoài số lao động được đón về bằng chuyên cơ, có nhiều lao động về bằng máy bay thương mại. Hiện đang điều tiếp 2 chuyên cơ bay sang Tunisia đón lao động. Trên tinh thần khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ đang tìm mọi biện pháp, huy động nhiều nguồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để đưa công dân Việt Nam về nước sớm nhất, an toàn nhất.
Trước sự cố một số lao động ở các tỉnh phía Bắc bay thẳng về sân bay Tân Sơn Nhất, gặp khó khi di chuyển về quê, hiện tại Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để đón lao động về. Ông Hải cũng cho biết, trong những ngày tới, sẽ có nhiều chuyến bay chở lao động về nhập cảnh Tân Sơn Nhất. Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp trước mắt chi tiền hỗ trợ lao động di chuyển từ sân bay, kể cả ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài về quê.
Cho đến thời điểm này, hiện vẫn còn khoảng 200 lao động Việt Nam đang mắc kẹt trong lòng Libya và theo thông tin của Bộ LĐTB-XH, số này vẫn đang ở chỗ an toàn, không bị nguy hiểm đến tính mạng và bảo đảm được liên lạc.
Sẽ có chương trình hỗ trợ
Liên quan đến việc giải quyết thiệt hại cho lao động, ông Hải cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt tập trung lo sơ tán lao động về nước an toàn, sau đó mới tính tiếp đến phương án giải quyết hậu quả. “Nhưng hiện nay Bộ LĐTB-XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Sở LĐTB-XH các địa phương có lao động đi Libya phối hợp để hỗ trợ lao động về mặt tinh thần, đồng thời sớm làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho lao động trong vòng 2 tuần tới. Lao động nào có nhu cầu học nghề, học tiếng để đi thị trường lao động khác sẽ được ưu tiên”, ông Hải khẳng định.
Việc thanh lý hợp đồng cho lao động sẽ làm đúng theo luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, Bộ LĐTB-XH sẽ tham mưu và đề xuất Chính phủ có một chương trình hỗ trợ cho các lao động sau khi đã phân loại phân loại lao động. Lao động nghèo, mới sang làm việc tại Libya sẽ được ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn. Còn để giải quyết một cách căn cơ, bộ chỉ đạo các doanh nghiệp ưu tiên chuyển thị trường cho những lao động có nguyện vọng. Hiện bộ cũng đã đề nghị các địa phương hỗ trợ đào tạo để lao động có cơ hội đi làm việc ở nước thứ 3, trong năm 2011 này, việc đưa lao động đi ưu tiên cho lao động từ Libya trở về.
90% lao động Việt Nam làm việc tại Libya thuộc ngành xây dựng. Vì vậy theo ông Hải, hiện nay bộ cũng đã tiến hành rà soát các thị trường cần lao động xây dựng để có thể chuyển tiếp ngay số lao động về từ Libya, “vì sẽ ít phải đào tạo lại, đúng chuyên môn của lao động”. Dĩ nhiên, để giúp lao động, họ sẽ được khoanh nợ ngân hàng khoản vay để đi Libya, đồng thời được tạo điều kiện vay để chuyển sang thị trường mới. Trước mắt, Bộ LĐTB-XH khuyến cáo, lao động nên nhắm đến thị trường Malaysia vì cơ hội việc làm lớn.
Phan Thảo