Theo đó, tất cả các quận, huyện đều phải thành lập đội xung kích diệt bọ gậy, mỗi đội từ 2-3 người, gồm thành viên từ các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng… Mỗi đội phụ trách 30-50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan xí nghiệp, trường học, khu công cộng. Nhiệm vụ của các đội là kiểm tra, hướng dẫn cùng các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước, đồ vật có khả năng là ổ bọ gậy; tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân, tham gia giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc SXH tại cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, tần suất kiểm tra diệt bọ gậy của các đội này là 7 ngày 1 lần, nếu hộ gia đình đi vắng hoặc chưa thực hiện được phải quay lại để đảm bảo 100% hộ gia đình, cơ quan được xử lý. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng lập tổ giám sát phòng chống dịch gồm 2 người: 1 cán bộ y tế và 1 lãnh đạo thôn, tổ dân phố. Mỗi tổ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 5-10 đội xung kích diệt bọ gậy. Các tổ này sẽ đánh giá kết quả thực hiện của các đội xung kích diệt bọ gậy bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên 5-10% hộ gia đình và các khu vực đội được phụ trách.
Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 70.000 người mắc SXH với hơn 19 ca tử vong. Trong số các địa phương thì dịch bệnh SXH tại Hà Nội đang rất phức tạp với số ca mắc tăng đột biến gấp 4-5 lần cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc SXH với 4 ca tử vong. Bộ Y tế cũng cho biết, trước sự gia tăng mạnh mẽ số người mắc SXH, đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã đủ điều kiện công bố dịch SXH trên địa bàn, nhưng đến nay cả nước mới chỉ có tỉnh Hà Nam công bố dịch SXH ở cấp tỉnh dù tại địa phương này chỉ ghi nhận hơn 100 ca mắc. Trong đó khi, Hà Nội vẫn đang cân nhắc việc công bố dịch SXH dù số người mắc đang tăng rất nhanh.