Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc, đến nay đã có 28 dự án với diện tích gần 20.000ha đất rừng được triển khai theo chủ trương chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su. Quá trình thực hiện chủ trương này đã cho thấy có quá nhiều sai phạm của các cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, gây thiêt hại về tài nguyên rừng và gây bức xúc cho người dân.
Hợp thức hóa hàng trăm hécta rừng bị phá
Theo tài liệu điều tra thực tế của chúng tôi, phần lớn các dự án trồng cao su đều có những sai phạm từ khâu quy hoạch, khảo sát, lập dự án đầu tư đến triển khai thực hiện.
Cụ thể, tại 2 dự án chuyển đổi gần 600ha đất rừng trên địa bàn xã Cư Elang (huyện Ea Kar) và xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phúc Nguyên (Công ty Phúc Nguyên, TP Buôn Ma Thuột) làm chủ đầu tư, khi được giao quản lý, bảo vệ và trồng rừng nguyên liệu, song khi thấy phong trào trồng cao su trên địa bàn phát triển, Công ty Phúc Nguyên đã cho chặt phá hàng trăm hécta rừng, sau đó xin chủ trương khảo sát lập dự án trồng cao su. Đến khi các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá trạng thái rừng thì phát hiện nhiều cánh rừng đã biến mất, cây cao su đã mọc lên xanh um.
Để được giao quản lý gần 1.000ha đất rừng tại xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn), Công ty TNHH Hữu Bích (TPHCM) đã có nhiều sai phạm về thủ tục. Đơn cử như báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu phải xử lý vùng lòng hồ. Trên thực tế, trong khu vực dự án không có hồ và lòng hồ. Hoặc theo khảo sát, gần 60ha tại khoảnh 1, 2 và 3 của tiểu khu 487 là rừng tự nhiên, song khi tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư thì đã bị mất trắng.
Tại dự án đầu tư trồng cao su, quản lý, bảo vệ rừng và chăn nuôi bò thịt tại tiểu khu 222, xã Ya Tờ Mốt và tiểu khu 222A, xã Ea Bung (huyện Ea Suop) do Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng và Thương mại Đức Tâm (Công ty Đức Tâm - TPHCM) làm chủ đầu tư, cũng xảy ra tình trạng phá rừng trước, khảo sát lập dự án trồng cao su sau.
Điều đáng nói ở dự án này là trong khi UBND tỉnh Đắc Lắc cho phép được khảo sát 330ha thì Công ty Đức Tâm tiến hành tới gần 850ha! Đến khi dự án được phê duyệt trồng cao su thí điểm trên diện tích chỉ có 100ha, phần lớn diện tích rừng còn lại phải khoanh nuôi bảo vệ thì đã bị chặt trắng, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Hay dự án đầu tư trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tại tiểu khu 293 xã Cư M’Lan (huyện Ea Suop) của Công ty TNHH Quốc Anh (TP Buôn Ma Thuột) có diện tích hơn 1.000ha, cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc hợp thức hóa thành đất rừng sản xuất nghèo chuyển đổi sang trồng cao su. Khi thủ tục cho thuê đất được hoàn tất thì phát hiện có 100ha là đất quốc phòng và hơn 730ha đất rừng phải khoanh nuôi, bảo vệ. Được cán bộ xã Cư M’Lan dẫn đường đi thực tế tại khu vực dự án, chúng tôi phát hiện phần lớn diện tích rừng trên đã bị chặt trắng đang chờ xin chủ trương đầu tư trồng cao su.
Trồng cao su trên đất rừng ngập nước
Xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Suop) có diện tích gần 10.000ha, trong đó chiếm hơn 60% là đất rừng tự nhiên. Phần lớn diện tích đất rừng tại đây ngập nước trong các tháng mùa mưa trong năm. Để chuyển đổi khoảng 2.000ha đất rừng ngập nước sang trồng lúa nước một năm 2 vụ, tỉnh Đắc Lắc đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu. Dự án được triển khai xây dựng từ cuối năm 2007 và theo kế hoạch đến năm 2013 hoàn thành.
Cũng cùng thời điểm triển khai công trình này, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Vinh Hoa (Công ty Vinh Hoa – tỉnh Tây Ninh) xin chủ trương khảo sát lập dự án trồng cao su. Mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, song ngày 23-8-2007 Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắc đã ký văn bản chỉ đạo Công ty Vinh Hoa phối hợp với UBND huyện Ea Suop tiến hành khảo sát, thiết kế cụ thể về hiện trạng rừng và đất đai để chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su. Diện tích được UBND tỉnh Đắc Lắc giao cho Công ty Vinh Hoa là 778ha sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Thế nhưng, trong hợp đồng thuê sử dụng đất ký ngày 6-5-2009, Sở TN-MT tỉnh Đắc Lắc chỉ giao 100ha thí điểm trồng cao su, gần 700ha còn lại là đất lâm nghiệp với hiện trạng rừng tự nhiên, chủ đầu tư phải khoanh nuôi, bảo vệ, không được đầu tư sai mục đích và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bị chặt phá. Hợp đồng thuê đất này khác hoàn toàn với thực tế vì trước đó hàng trăm hécta rừng đã bị phá trắng để trồng cao su, trong đó có hàng chục hécta nằm trong vùng ngập nước thuộc dự án chuyển đổi đất rừng sản xuất sang trồng lúa nước.
Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt Nguyễn Hữu Quảng cử người đưa chúng tôi vượt gần 20 cây số đường rừng vào khu vực dự án của Công ty Vinh Hoa tại tiểu khu 202. Chúng tôi thật sự bất ngờ trước cảnh tượng rừng bị tàn phá tại đây. Hàng ngàn hécta rừng được giao cho các doanh nghiệp quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ đã bị phá trắng để trồng cao su.
Ông Lê Văn Hưng, Đội trưởng sản xuất Công ty Vinh Hoa, miễn cưỡng đưa chúng tôi đến khoảnh rừng gần 20ha bị chặt trắng và một mực quả quyết: “Đây là khu vực chúng tôi được phép trồng cao su”. Trước mắt chúng tôi là cánh rừng khộp gốc, cành bị chặt phá vứt ngổn ngang. Khu rừng này mùa mưa sẽ bị ngập nước và trong quyết định giao đất cho Công ty Vinh Hoa xác định là rừng khoanh nuôi, bảo vệ. “Mùa mưa ngập nước trồng cao su chết hết thì sao?”, chúng tôi hỏi. Ông Hưng nói chắc nịch: “Không chết được. Chúng tôi sẽ làm hệ thống tiêu thoát nước để cây cao su sống được và cho ra mủ” (!?).
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, dự án 778ha này của Công ty Vinh Hoa có nhiều khuất tất chưa được làm rõ. Cụ thể, trong biên bản họp ngày 20-9-2008 của Hội đồng thẩm định dự án có nêu: “Vùng đất dự kiến trồng cao su có điều kiện thổ nhưỡng khó khăn, chưa nên quy hoạch trồng cao su…”.
Nhiều thành viên trong hội đồng sau đó kiến nghị không thông qua dự án này. Thế nhưng, sau đó không cần Hội đồng thẩm định dự án họp lại để quyết định có nên triển khai dự án trồng cao su hay không, ngày 12-2-2009, Sở NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt quy hoạch sử dụng 787,6ha (cao hơn 10ha) cho dự án của Công ty Vinh Hoa, trong đó trồng cao su là 520ha, đất chuyên dùng 30ha, khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ rừng là 237,6 ha (thấp hơn gần 500ha so với hợp đồng giao đất).
Trong khi đó, Quyết định 3061/QĐ-UBND ngày 3-11-2009 của UBND tỉnh Đắc Lắc về quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2009-2020 chỉ có 200 trên tổng số gần 10.000ha đất của xã Ya Tờ Mốt được chuyển đổi sang trồng cao su.
HOÀI NAM
| |
|