Lập hệ thống phân phối vận hành theo thị trường

Lập hệ thống phân phối vận hành theo thị trường

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá hôm qua 28-5, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn sự hợp lý của danh mục bình ổn giá và đề nghị cần có sự cân nhắc kỹ hơn về nhóm hàng hóa thuộc danh mục này.

Chương trình bình ổn giá của TPHCM góp phần ổn định đời sống người dân, tuy nhiên không vì thế mà người dân ỷ lại. Ảnh: Cao Thăng

Chương trình bình ổn giá của TPHCM góp phần ổn định đời sống người dân, tuy nhiên không vì thế mà người dân ỷ lại. Ảnh: Cao Thăng

Theo bản dự thảo lần cuối của Luật Giá, các loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định. Danh mục này, theo Ủy ban Thường vụ QH, được lập trên cơ sở nhu cầu, tầm quan trọng, tính biến động của giá hàng hóa, dịch vụ trong đời sống, sản xuất. Danh mục trên cũng đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và loại khỏi danh mục sắt, thép, xi măng; thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi heo thịt, gà thịt, cá tra, cá basa, tôm; dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng...

Tuy nhiên, theo ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang), danh mục quy định quá cụ thể như phân đạm còn các mặt hàng nông nghiệp khác thì sao? Trên thực tế, nhiều mặt hàng phân bón biến động tăng cao ảnh hưởng đến nông nghiệp chưa được bình ổn giá. ĐB này cũng đề nghị mở rộng danh mục mặt hàng bình ổn giá là “các mặt hàng phân bón” cũng như thêm các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập để hỗ trợ cho người nghèo, an sinh xã hội. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, nên bỏ đường ăn và muối ăn khỏi danh mục mà chỉ sử dụng các công cụ khác để điều tiết. Các ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị bổ sung thuốc bảo vệ thực vật, vì đó là hàng hóa thiết yếu để chống lại dịch bệnh trên cây trồng. Đây là một biện pháp hỗ trợ cho người nông dân nhằm tránh những biến động của nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người nông dân.

Chia sẻ tâm tư của các ĐB trước việc cần thiết phải mở rộng danh mục bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu như thuốc bảo vệ thực vật, cà phê, thức ăn chăn nuôi nhưng ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, việc bình ổn giá là việc cực chẳng đã và nếu không phải thực hiện bình ổn giá là tốt nhất cũng giống như “có thẻ bảo hiểm y tế mà không xài là tốt”. Nếu mở rộng danh mục có khi lợi bất cập hại và cũng đừng quá kỳ vọng vào việc bình ổn giá khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Chẳng hạn, thức ăn chăn nuôi phần nhiều phải nhập, nếu bổ sung cũng không giải quyết được vấn đề; hay như nếu có cà phê trong danh mục, khi giá lên sẽ thu phí nhưng giá xuống chưa biết thế nào. Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều danh mục bình ổn giá bởi nếu mở rộng nhà nước có nhiều nghĩa vụ nhưng không kiểm soát được.

ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) chia sẻ, sữa, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối thị trường nên nếu có trong danh mục cũng khó bình ổn được. Điều quan trọng là có chính sách khuyến khích lập hệ thống phân phối, phát triển để vận hành theo thị trường.

Theo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Giá, Ủy ban Thường vụ QH cho biết, tiếp thu ý kiến của các ĐB và tinh thần Nghị quyết của QH, việc định giá điện theo nguyên tắc: có khâu nhà nước định giá cụ thể, có khâu nhà nước chỉ quy định khung giá, đồng thời quy định cơ chế điều chỉnh trong khung. Cụ thể, nhà nước định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu hiện đang thuộc độc quyền nhà nước. Đối với các khâu phát điện, bán buôn điện về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện. Về giá bán lẻ điện sẽ theo hướng nhà nước quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.

Hà My

Tin cùng chuyên mục