Lập hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc

Bộ VHTT & DL vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt đối với hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

(SGGPO).- Bộ VHTT & DL vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt đối với hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Năm 1965, trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ, làng Vịnh Mốc- Quảng Trị đã bị tàn phá gần như hoàn toàn. Với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo mà địa đạo Vịnh Mốc là một minh chứng sinh động nhất.

Cuối năm 1965, các chiến sĩ Đồn Biên phòng 140, nhân dân Vịnh Mốc-Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía Nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh ra làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này. Với 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn, nhân dân và lực lượng vũ trang đã đào và vận chuyển hơn 6000 mét khối đất đá, tạo nên địa đạo Vịnh Mốc.  Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 - 23m, tổng chiều dài hơn 2000m (nay chỉ còn 1.071m). Địa đạo có trục đường chính dài 768m, cao từ 1,5 đến 1,8m, rộng từ 1 - 1,2m. Từ trục chính tỏa ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có tất cả 13 cửa gồm 7 cửa mở ra phía biển và 6 cửa trên đồi đi xuống. Tại các cửa đều có khung gỗ chống đỡ, thường xuyên được gia cố để chống sụt lở. Hai bên trục đường cứ khoảng cách từ 3 - 5m thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt.

Cùng đợt này, Bộ cũng đề nghị các địa phương xây dựng hồ sơ cho di tích Trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); Nhà tù Sơn La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La); Quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn (tỉnh Bình Định); Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang); Khu di tích Phố Hiến (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gửi về Bộ trước ngày 30-6.

Mai An

Tin cùng chuyên mục