Lập hội đồng khoa học tìm nguyên nhân một tiếp viên hàng không tử vong

Chiều 25-2, Ban Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã gặp gỡ chia sẻ thông tin với báo giới xung quanh ca tử vong của bệnh nhân Dương Châu Toàn (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM, là tiếp viên của một hãng hàng không).

(SGGP).- Chiều 25-2, Ban Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã gặp gỡ chia sẻ thông tin với báo giới xung quanh ca tử vong của bệnh nhân Dương Châu Toàn (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM, là tiếp viên của một hãng hàng không).

Theo GS-TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân Toàn nhập viện ngày 18-1 trong tình trạng đau, mất vững khớp gối trái, vận động khó khăn với nguyên nhân được ghi nhận là trước đó bị tai nạn té đập đầu gối trái xuống đất. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chụp MRI cộng hưởng từ và kết quả chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước của khớp gối bên trái, gãy mâm chày, phù nề mâm chày ngoài. Bệnh nhân được hội chẩn và có chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối trái, cắt lọc sụn chêm khớp gối trái.

Lúc 17 giờ 20 phút ngày 18-1, bệnh nhân Toàn được phẫu thuật như chỉ định với phương pháp vô cảm gây tê tủy sống. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 19 giờ cùng ngày và bệnh nhân được chuyển từ phòng mổ ra phòng hậu phẫu. Khoảng 2 giờ sau, bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau Mobic 15mg 1 lọ vào bắp thịt. Tuy nhiên, đến 4 giờ 45 phút ngày 19-1, bệnh nhân Toàn đột ngột lên cơn gồng cứng, co giật. mạch chậm, huyết áp tụt. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, dùng các thuốc chống co giật, thuốc vận mạch nâng nhịp tim, huyết áp (Atropin, Adrenaline, Dopamine, Noradrenaline). Sau khi có mạch và huyết áp trở lại, bệnh nhân mê với Glasgow 3 điểm (mê sâu) và được chuyển qua khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tiếp đó, bệnh viện đã hội chẩn viện và liên viện với các chuyên gia, chuyên viên và được chẩn đoán hôn mê sâu sau ngưng tim, ngưng thở. “Nguyên nhân chưa xác định rõ nhưng có thể do rối loạn nhịp tim của bệnh lý tim mạch tiềm ẩn chưa phát hiện được trên điện tim và siêu âm trước đó”, GS-TS Nguyễn Đức Công cho biết. Mặc dù khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức đã tích cực điều trị nhưng đến ngày 26-1, bệnh nhân Toàn có biểu hiện suy thận, có chỉ định lọc máu, tiếp đến bị tổn thương não không hồi phục, huyết áp giảm dần. Người nhà đã xin đưa bệnh nhân Toàn về nhà và tử vong vào ngày 13-2 sau 25 ngày điều trị.

Mặc dù đã nỗ lực hết sức bằng các biện pháp nghiệp vụ nhưng theo GS-TS Nguyễn Đức Công đây là trường hợp đáng tiếc, bệnh viện xin nhận trách nhiệm về rủi ro của ca bệnh và sẽ tổ chức kiểm điểm để rút kinh nghiệm về mặt chuyên môn cũng như y đức để hạn chế tối đa các sự cố về sau. Tại buổi gặp mặt báo chí chiều 25-2, một số ý kiến đặt nghi vấn về việc bệnh nhân Toàn bị sốc phản vệ do tiêm thuốc giảm đau Mobic 15mg nhưng theo GS-TS Nguyễn Đức Công thì tỷ lệ sốc của loại thuốc này rất hiếm gặp. Ngoài ra, nghi vấn bị sốc do gây tê tủy sống cũng bị loại trừ. “Thực sự là chúng tôi chưa thể tìm ra nguyên nhân tử vong và ca bệnh cũng xem như một thất bại của bệnh viện”, GS-TS Nguyễn Đức Công thừa nhận. Theo GS-TS Nguyễn Đức Công, bệnh viện đang tiến hành lập hội đồng khoa học tìm nguyên nhân và mong muốn được Bộ Y tế chỉ đạo các chuyên gia đầu ngành cùng nghiên cứu tìm nguyên nhân. “Bệnh viện sẽ có báo cáo kết luận khoa học trước ngày 4-3 tới theo chỉ đạo của Cục Quản lý khám chữa bệnh”, GS-TS Nguyễn Đức Công cho biết.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục