Lập lại trật tự lòng, lề đường là một trong những nhiệm vụ chính trong công tác chống ùn tắc và tai nạn giao thông của TPHCM. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng dường như đây vẫn là nhiệm vụ bất khả thi của hầu hết các quận, huyện.
Quận, huyện nào cũng rối
Tuy mức độ khác nhau nhưng nói chung vỉa hè, lòng đường ở quận, huyện nào trên địa bàn thành phố cũng lộn xộn.
Tại quận 1, bên cạnh những vỉa hè được sắp xếp, quản lý khá cẩn thận như vỉa hè đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Lê Lợi; vỉa hè những con đường gần đó như Nguyễn Du, Hai Bà Trưng… hay xa hơn một chút như Cô Bắc, Cô Giang, Trần Hưng Đạo… chẳng được vậy. Xe gắn máy 2 bánh dừng đậu lộn xộn trên vỉa hè. Các quán ăn, quán cà phê “giỏ xách” (người bán thường đựng cà phê, hay đồ ăn trong giỏ xách) tranh thủ lúc không có lực lượng trật tự, bày hàng ra vỉa hè buôn bán. Khách đến ăn, uống mỗi người ngồi một ghế đẩu, không cần bàn ăn, tay bưng bát, tay cầm ly cà phê tràn ra gần hết vỉa hè. Trong nhiều thời điểm, hoạt động mua bán sôi nổi như không có lệnh cấm lấn chiếm lòng lề đường.
Nội thành như thế, vùng ven còn lộn xộn hơn. Trên một khu vực rộng lớn kéo dài từ đường Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn Nghi đến Dương Quảng Hàm của quận Gò Vấp gần như chỗ nào cũng… họp chợ. Chợ lấn ra gần tới giữa đường. Nhiều người buôn bán ở đây còn đầu tư kệ bán hàng “nghiêm chỉnh” chứ không “dã chiến” như ở khu vực trung tâm. Đặc biệt đoạn đầu đường Dương Quảng Hàm, một số người dân còn làm cả mái che nhô ra đường để buôn bán. Toàn bộ vỉa hè đường Nguyễn Kiệm, đoạn từ siêu thị Co.opMart tới giao lộ Nguyễn Thái Sơn trở thành trung tâm mua bán đồ điện máy cũ. Vỉa hè dọc Công viên Gia Định dù đã có biển báo “cấm buôn bán”, nhưng xe bán bắp nướng, bánh tráng trộn… vẫn hoạt động. Quận 2 trật tự hơn rất nhiều so với quận Gò Vấp, nhưng dọc đường Nguyễn Thị Định, Lương Định Của vẫn còn khá nhiều cửa hàng buôn bán để xe lấn ra ngoài khu vực được kẻ vạch cho phép.
Ném đá ao bèo?
Ông Lê Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, chia sẻ, lập lại trật tự lòng lề đường là một trong những công tác gian nan nhất của chính quyền địa phương. Quận Gò Vấp có khoảng 50% dân số là người nhập cư. Đại đa số những người này không có việc làm ổn định nên đều “bám” lấy vỉa hè, lòng lề đường để mưu sinh. Hơn nữa, khu vực đường Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn Nghi có tới 8 trường học, trong đó có một trường đại học, một trung tâm đào tạo nghề với số sinh viên lên tới khoảng 80.000 người. Mặc dù các trường đều tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức lại giờ học, giờ tan trường nhưng trung bình vào giờ cao điểm tan trường vẫn có khoảng 30.000 sinh viên, học sinh ra, vào. Trừ đường Nguyễn Thái Sơn vừa được mở rộng lên gần 20m, các con đường còn lại trong khu vực chỉ rộng 8m - 10m. Đường nhỏ, sự quá tải trong giờ tan học, cộng với việc buôn bán chiếm lòng, lề đường đã làm cho nơi đây trở thành một trong những điểm nóng về giao thông của thành phố.
Theo ông Lê Hoàng Hà, quận Gò Vấp đã phối hợp nhiều lực lượng từ cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong đến lực lượng dân phòng… tổ chức rất nhiều đợt ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, nhưng kết quả chỉ như “đá ném ao bèo”. Thậm chí, nhiều phường đã cho tịch thu phương tiện buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và đưa ra mức xử phạt tới hàng chục triệu đồng, nhưng cũng không thu được kết quả khả quan. Với mức phạt ấy, người buôn bán sẵn sàng bỏ luôn đồ đã bị tịch thu để mua đồ mới vì giá mua đồ mới nhiều khi còn rẻ hơn mức phạt (!). Quận Gò Vấp cũng đã tổ chức họp tổ dân phố để vận động người dân tham gia giữ gìn trật tự lòng lề đường. Thế nhưng, đa phần người buôn bán rong, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường lại là dân nhập cư. Những người ấy rất ít khi tham gia các hoạt động ở địa phương.
Lập lại trật tự lòng lề đường cũng là nhiệm vụ khó đối với quận 2. Theo ông Lê Xuân Viên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 2, ở một số tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m, quận 2 đã cho kẻ một vạch màu vàng và quy định: Người dân chỉ được quyền để xe trong khu vực vạch vàng. Phần còn lại phía giáp với lòng đường phải để cho người đi bộ sử dụng. Đa số người dân đã thực hiện khá tốt, nhưng vẫn còn một bộ phận không chấp hành. Lực lượng chức năng đi kiểm tra, song cũng không thể bao quát hết vì lực lượng mỏng. Giống như quận Gò Vấp, quận 2 cũng có rất nhiều dân nhập cư. Phần lớn trong số họ không tham gia sinh hoạt với địa phương nên không nắm được chủ trương của quận, của thành phố. Xử phạt họ vì những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, họ sẵn sàng chuyển chỗ ở, qua nơi khác kinh doanh.
NGUYỄN KHOA