10 năm trước, tại Cúp bóng đá TPHCM có đội bóng khách mang tên Telefone Organization đến từ Thái Lan. Ban tổ chức giải rao rằng đây là đội bóng đang chơi ở giải chuyên nghiệp Thái, hiện đang nằm trong tốp dẫn đầu. Thế nhưng, cùng thời gian này, vẫn có một đội bóng khác mang tên Telefone Organization cũng đang dự tranh giải vô địch quốc gia Thái Lan. Lúc đó, TIẾNG CÒI ngẫn ngơ vì không biết Telefone Organization nào là “thiệt” và Telefone Organization nào là “giả”.
Hỏi Ban tổ chức thì họ khăng khăng cho rằng mình là “hạng thiệt”, Telefone Organization “chính hiệu”, nhưng khi kiểm tra đầu mối thông tin từ các đồng nghiệp bên Thái Lan thì phía bạn cho biết Telefone Organization đang dự giải ở Việt Nam chỉ là đội hình B, đưa sang TPHCM tham dự để “học hỏi” kinh nghiệm và không vi phạm hợp đồng (?). Đến nước này thì người hâm mộ mới biết mình bị lừa, còn kết quả những trận thua đậm hơn 10 trái của đội bóng mang tên Telefone Organization sau đó chỉ “tô đậm” thêm lập luận của TIẾNG CÒI và anh em Phụ trang SGGP Thể thao trước đó là đúng.
10 năm sau, Cúp bóng đá Thủ đô (Capital Cup) đón hai đội bóng đến từ Malaysia và Thái Lan. Dù trong thành phần hai đội khách gồm toàn cầu thủ U21, nhưng Ban tổ chức và một số phương tiện truyền thông cứ cho đó là đội Olympic. Người rành bóng đá đều biết, thành phần đội Olympic phải là đội U23, có thể được tăng cường thêm 3 vị trí trên 23 tuổi, còn gọi là U23+3, chứ làm gì có chuyện đội U21 lại đi gọi là đội Olympic thì khó nghe quá.
Vậy mà, dù được TIẾNG CÒI “thổi còi” nhiều lần, nhưng Ban tổ chức vẫn thích gọi theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, rằng hai đội U21 non choẹt của Malaysia và Thái Lan là hai đội Olympic.
Người hâm mộ thắc mắc, nên đặt câu hỏi rằng họ làm như thế để làm gì? Theo như TIẾNG CÒI thì có lẽ để cho “bằng anh, bằng em”, chứ ai đời tổ chức một giải đấu mà mang đội U23 của mình ra chọi với đội bóng nhỏ hơn mình 2 tuổi, thậm chí hơn. Hoặc có thể làm như thế để không bị giảm giá trị giải thưởng, không làm phật lòng nhà tài trợ. Có thể lắm chứ!
TIẾNG CÒI