Lập lờ bánh trung thu không nhãn mác

Nhiều điểm bán bánh trung thu trực tuyến đã khởi động cách nay cả tháng. Ngoài mặt hàng thương hiệu trong nước, thị trường xuất hiện thêm hàng “xách tay” từ Hồng Công, Đài Loan, Nhật Bản… Sản phẩm khá phong phú, gồm hàng sản xuất kiểu công nghiệp hoặc được làm thủ công. Thế nhưng, có những điểm bán không trưng ra được giấy tờ chứng minh xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng.
Bánh trung thu trôi nổi rao bán nhiều trên internet. Ảnh: THI HỒNG
Bánh trung thu trôi nổi rao bán nhiều trên internet. Ảnh: THI HỒNG

Cam kết bằng… lời hứa

Đặt 6 chiếc bánh trung thu gọn gàng vào chiếc hộp chữ nhật đỏ tươi, người bán tên P.T. (TPHCM) khoe rằng, đơn hàng cuối tháng 8 này lên tới hàng trăm hộp. “Đây là loại bánh nhỏ, xách tay từ Đài Loan về Việt Nam. Loại nào chúng tôi cũng có, giá bán dao động 35.000 - 180.000 đồng/hộp 4 - 6 cái, vị đậu xanh, thập cẩm, dứa, dâu tây, đậu đỏ, đào… Cũng có loại chỉ 2.500 - 3.000 đồng/bánh nếu khách mua sỉ”, chị P.T. nói. Khi được hỏi, có giấy tờ gì để chứng minh sản phẩm đảm bảo chất lượng hay không, chị P.T. thừa nhận không có.

Ghi nhanh trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…), loại bánh nhập khẩu này được rao bán khá nhiều với cam kết hàng chính hãng. Tương tự, các sàn thương mại điện tử cũng bán loại bánh này với mức giảm giá khoảng 30% mỗi hộp, tùy sàn. Nhưng lạ ở chỗ, khách không được kiểm hàng, không được đổi hàng, trên bánh không có nhãn phụ tiếng Việt và người bán chỉ hứa bằng miệng rằng, đây là sản phẩm chính hãng.

Chị Lê Thị Hồng Hạnh, một khách hàng ngụ tại quận Tân Phú (TPHCM), cho biết đã nhiều lần mua các loại bánh nhập khẩu từ Đài Loan, Hồng Công, Nhật Bản… Nhưng sản phẩm đều ghi đầy đủ thông tin của doanh nghiệp nhập khẩu, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng. “Với loại bánh xách tay, mình thường nhờ người thân hoặc đồng nghiệp đi công tác mua về giúp. Riêng tình hình dịch bệnh như hiện nay, bánh trung thu xách tay bằng đường hàng không như cam kết của một số người bán trên mạng có gì đó mập mờ, bởi các chuyến hàng về không nhiều”, chị Hồng Hạnh chia sẻ.

Vài năm trở lại đây, thị trường bánh trung thu nhà làm khá sôi động, không thua gì thị trường bánh nhập khẩu. Người làm tập trung vào các tiêu chí an toàn cho sức khỏe, không bỏ chất phụ gia, bảo quản… vào trong bánh. Do vậy, số lượng khách hàng ruột của những điểm bán bánh nhà làm khá đông. Người mua tin vào người bán là chính, nên cũng dễ dàng bỏ qua các quy định bắt buộc như ghi nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng bánh, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm...

Nên thận trọng

Cách nay ít ngày, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng chuyên trách phát hiện hơn 8.000 chiếc bánh trung thu đủ nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất, không hóa đơn chứng từ. Người bán khai nhận, nếu tiêu thụ trót lọt, số hàng này sẽ được cung ứng cho thị trường TP Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Theo một chuyên gia ẩm thực ngụ tại quận Gò Vấp (TPHCM), nhiều khả năng các loại bánh trung thu ngoại nhập số lượng lớn về thành phố bằng đường tiểu ngạch. Giá bán mỗi chiếc bánh khá rẻ (có loại chỉ vài ngàn đồng), khiến nhiều người trong nghề không hiểu nổi tại sao nhà sản xuất có thể làm ra được chiếc bánh này. Xuất phát từ nghi ngờ trên, vị chuyên gia ẩm thực khuyến cáo người dân nên lưu ý khi mua thực phẩm trôi nổi. Mặt khác, chất lượng bánh rất dễ biến đổi nếu khâu vận chuyển, bảo quản không đảm bảo, dễ xảy ra nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Để hạn chế tình trạng kinh doanh hàng kém chất lượng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM thông tin sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng trực tiếp và trực tuyến, gồm cả bán bánh trung thu. Yêu cầu đối với mặt hàng bánh kẹo ngoại nhập cần đảm bảo đầy đủ về hóa đơn chứng từ, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, tờ khai nhập khẩu... Trước đó, một cán bộ Tổng cục QLTT thông tin, các đối tượng buôn lậu rất gian xảo, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, địa điểm tập kết hàng hóa. Hàng qua cửa khẩu được xé lẻ, chuyên chở đi nhiều địa điểm khác nhau để giao cho khách, nhằm trách sự theo dõi của lực lượng chức năng. Chiêu trò phổ biến hiện nay là rao bán hàng trên mạng, sau đó nhận và chốt đơn giao hàng của khách mua. Các kho hàng lậu nằm ẩn nhiều nơi và được “bơm hàng” liên tục, nên hầu như hàng hóa không bị thiếu, khách mua bao nhiêu cũng cung ứng đủ.

Trong thời buổi kinh doanh hàng trực tuyến đang phát triển rất mạnh như hiện nay, khách hàng cần phải thận trọng để so sánh, đối chiếu thông tin trước khi quyết định trả tiền mua hàng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có quyền tẩy chay sản phẩm kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như lên tiếng hỗ trợ những người bị hại khác. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường đầu tư nhân lực và công nghệ để sớm phát hiện các trường hợp kinh doanh trực tuyến sai phạm, nhằm cảnh báo nhanh chóng đến người dân, khách mua hàng.

Tin cùng chuyên mục