Lập nghiệp nơi đất khách

Trong khi một số bạn trẻ tại Việt Nam có phong cách rề rà, sáng ngồi đồng quán cà phê rồi mới tới công sở, chiều bỏ về sớm ra quán nhậu thì các bạn trẻ Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trong hành trình lập nghiệp nơi đất khách quê người, lại chọn cách làm khác. Hãy nghe họ chia sẻ…

Trong khi một số bạn trẻ tại Việt Nam có phong cách rề rà, sáng ngồi đồng quán cà phê rồi mới tới công sở, chiều bỏ về sớm ra quán nhậu thì các bạn trẻ Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trong hành trình lập nghiệp nơi đất khách quê người, lại chọn cách làm khác. Hãy nghe họ chia sẻ…

Anh Thư theo học và làm việc tại Melbourne, Australia đã gần 9 năm. Có thể xem cô cử nhân chuyên ngành tư vấn rủi ro và định phí bảo hiểm này là một trong số ít những bạn trẻ Việt tại Australia may mắn trong bước đầu lập nghiệp. Vừa ra trường, cô gái người Biên Hòa được nhận vào làm ngay tại công ty cô từng thực tập. Anh Thư cho biết, cô tốt nghiệp đúng vào thời điểm công ty thiếu vị trí tư vấn tài chính.

Quản lý công ty ưng Anh Thư vì thái độ cũng như khả năng chuyên môn mà cô thể hiện trong 3 tháng thực tập. Công ty toàn người nước ngoài, đa số là người Australia, nhưng đều là người trẻ nên bầu không khí làm việc rất thoải mái. 8 giờ có mặt ở công ty nhưng quản lý không kiểm soát chặt về giờ giấc. “Công việc nhiều nên sếp em bận rộn lắm, không có thời gian để giám sát nhân viên. Mọi thứ đều được đánh giá dựa trên kết quả và hiệu quả công việc”, Anh Thư chia sẻ.

Còn với Nguyễn Hà Sơn, một cử nhân công nghệ thông tin đang làm việc tại Pháp, những bước đầu khởi nghiệp cũng không gặp nhiều trắc trở. Học được 1 năm tại khoa Toán - Tin ĐH Bách khoa (Hà Nội), Hà Sơn xin được học bổng tại Pháp. Hà Sơn quyết định bỏ việc học tại Việt Nam để theo đuổi đam mê từ nhỏ, một việc làm mà Hà Sơn cho biết khiến “bố, mẹ lo đến mất ngủ”.

Đến nay, Hà Sơn hoàn thành việc học và hiện có công việc ổn định tại một công ty tin học ở Pháp. Theo Hà Sơn, một giáo sư ở trường đại học đã giới thiệu cho cậu công ty này. Người thầy của Hà Sơn quý và để ý đến cậu học trò người Việt vì đức tính chịu khó. Từ đó, ông dìu dắt Hà Sơn trong thời gian học và sau này giới thiệu Hà Sơn chỗ làm.

Anh Thư luôn nhớ về những tuần đầu tiên đi làm của mình. Cô gái 23 tuổi cho biết do đang quen với nếp sinh hoạt của sinh viên, cô cảm thấy mệt mỏi khi “gò” mình 8 giờ trong văn phòng công ty. Anh Thư cho biết phải mất gần 1 tháng cô mới làm quen được với nhịp công việc. Anh Thư cho biết ý thức tự giác, nghiêm túc trong công việc rất quan trọng. Có lần phải đi thi, Anh Thư xin phép quản lý cho cô nghỉ 3 giờ buổi sáng. Mấy ngày sau, cô tự động đi làm sớm để bù lại 3 giờ đã nghỉ. Theo Anh Thư, mọi người trong công ty ai cũng tự rèn cho mình tính kỷ luật trong công việc cũng như tôn trọng thời gian biểu nơi làm việc.

Tuy nhiên, điều làm Anh Thư mất nhiều thời gian thích nghi nhất là khác biệt về văn hóa. Người Australia thích bóng bầu dục và cricket. Nhiều hôm đến nhà đồng nghiệp chơi, mọi người hào hứng xem một trận bóng bầu dục hoặc cricket, trong khi Anh Thư chỉ biết ngồi yên vì không hiểu gì cả. Lúc đó, cô cảm thấy lạc lõng vô cùng. Hay sự khác biệt xuất phát chỉ từ món ăn. “Người nước ngoài không thích mùi mắm nên nhiều khi muốn ăn mắm chưng, ở nhà có, mà không dám mang theo đến chỗ làm”, Anh Thư cho biết.

Hà Sơn cũng cho rằng việc thích nghi, hòa đồng với cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa là điều khó khăn nhất khi bước chân vào làm cho một công ty ở nước ngoài. “Chỉ cần vô ý một chút trong lời ăn tiếng nói hoặc hành động có thể dẫn đến hiểu lầm, thậm chí xích mích với đồng nghiệp”, Hà Sơn chia sẻ.

“Có năng lực, giỏi thích nghi, tôn trọng kỷ luật lao động…” là những yếu tố cần có nơi những bạn trẻ chọn làm việc ở nước ngoài

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục