Lắp thiết bị khống chế vượt tốc chạy tàu

Lắp thiết bị khống chế vượt tốc chạy tàu

Từ ngày 15-9 tới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai lắp đặt thử nghiệm “Thiết bị hỗ trợ giám sát và khống chế vượt tốc đoàn tàu” trên đầu máy các đoàn tàu Thống Nhất 29 và 30 giờ từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Sau 1 tháng thử nghiệm, dự kiến thiết bị này sẽ được lắp đặt trên toàn bộ các đoàn tàu của đường sắt Việt Nam.

“Nếu thiết bị hoạt động đúng như những gì chúng tôi tính toán, chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra những vụ tai nạn đau lòng như vụ đổ tàu E1 ở Lăng Cô” – ông Vũ Văn Đóa, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, đơn vị chế tạo ra thiết bị trên khẳng định.

  • “Tài xế ngủ gật, tàu vẫn không chạy quá tốc độ…”

Tháng 3-2005, vụ tai nạn đổ tàu E1 xảy ra ở Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) do tài xế chạy tàu vượt tốc độ 78% đã đặt ra cho ngành đường sắt một sức ép lớn về vấn đề an toàn chạy tàu, đặc biệt là việc khống chế tốc độ chạy tàu.

Lắp thiết bị khống chế vượt tốc chạy tàu ảnh 1

Thiết bị kiểm soát tốc độ chạy tàu do Việt Nam chế tạo.

Trước nhu cầu bức thiết đó, tháng 5-2005, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (cơ quan chủ quản của đầu máy tàu E1 gây tai nạn) đã kết hợp với Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học GT-VT đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho phép nghiên cứu, chế tạo ra một thiết bị để khống chế tốc độ chạy tàu.

Ông Vũ Văn Đóa giải thích: “Rõ ràng, đã là con người thì chắc chắn sẽ có những lúc thiếu tập trung, bị khách quan tác động. Vì thế, chúng tôi đã nghĩ đến việc phải chế tạo ra một thiết bị để hỗ trợ tài xế trong những lúc như vậy”.

Chỉ sau 1 tháng nghiên cứu, loại thiết bị trên đã được ra đời. Mới đây nhất, sau khi nghiệm thu thực tế, Hội đồng Khoa học – Công nghệ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chấp thuận cho lắp đặt thử nghiệm thiết bị này trên một số đoàn tàu Thống Nhất trước khi lắp đặt đại trà.

Theo ông Vũ Văn Đóa, thiết bị khống chế tốc độ đoàn tàu được chế tạo theo nguyên lý thu tín hiệu từ vệ tinh định vị toàn cầu GPS để theo dõi, kiểm soát tốc độ tức thời của đầu máy theo chương trình chạy tàu đã định sẵn. Hiện nay, trên các tuyến đường sắt đều quy định các tốc độ chạy tàu tối đa khác nhau.

Với thiết bị trên, tài xế lái tàu sẽ biết được đoàn tàu đang ở đoạn được phép chạy tối đa là bao nhiêu km/giờ, đồng thời biết được vận tốc tức thời của đoàn tàu (được lấy tín hiệu từ vệ tinh). Điểm ưu việt của thiết bị là khi tàu chạy quá tốc độ cho phép, thiết bị sẽ phát tín hiệu bằng đèn và chuông báo để người lái tàu xử lý kịp thời.

Nếu người lái tàu không chịu giảm tốc độ thì trong khoảng 5 giây, thiết bị sẽ tự động hãm khẩn cấp đoàn tàu. Nhờ đó, đoàn tàu sẽ không bao giờ có thể chạy vượt tốc độ. “Nghĩa là, kể cả trong trường hợp tài xế ngủ gật, tàu vẫn không thể chạy quá tốc độ cho phép” – ông Đóa nói.

  • Sáng tạo của “nhà nghèo”

Ở một số nước tiên tiến, việc kiểm soát và khống chế tốc độ các đoàn tàu hỏa được thực hiện theo một cách khác. Đó là thiết bị kiểm soát và điều khiển hữu tuyến. Nghĩa là dọc các tuyến đường sắt đều có chôn hệ thống thiết bị kiểm soát và phát tín hiệu điều khiển.

Tàu chạy đến đâu, thiết bị ở đầu máy tiếp nhận tín hiệu từ dưới đường phát lên đến đó và biết được tốc độ cho phép của từng đoạn. Thậm chí, thiết bị dưới đường sắt có thể điều khiển được hoạt động của đoàn tàu đang chạy trên đường. Ở Nhật Bản hay ở Pháp, một số loại tàu điện ngầm vận hành tự động, không cần người lái chính là nhờ hệ thống thiết bị điều khiển hữu tuyến này.

Nhưng để lắp đặt được hệ thống thiết bị kiểm soát như vậy là vô cùng tốn kém. “Vì mình là nhà nghèo, không thể có nhiều tiền để đầu tư như vậy nên phải nghĩ ra thiết bị kiểm soát tốc độ chạy tàu bằng tín hiệu vệ tinh GPS” – ông Vũ Văn Đóa cho biết.

Tuy nhiên, xét về tính năng cũng như hiệu quả, 2 hệ thống thiết bị đều có vẻ như tương đương nhau, trừ việc thiết bị của Việt Nam chưa thể điều khiển đoàn tàu chạy tự động không cần người lái. Một điều đáng nói nữa là thiết bị kiểm soát tốc độ chạy tàu mà Việt Nam sản xuất đều bằng ý chí, phương pháp và cả phụ tùng trong nước. Chỉ có một vài con chíp điện tử nhỏ là phải nhập khẩu. Vì thế, giá thành của thiết bị này rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại.

Trước khi thiết bị “made in Việt Nam” này được chế tạo, đường sắt Việt Nam đã được Hãng Siemen của Đức chào bán một thiết bị có ít tính năng hơn với giá khoảng 10.000 euro/chiếc. Trong khi đó, thiết bị mà Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội chế tạo có giá thành khoảng 2.500 – 3.000 euro/chiếc. 

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục