Tỉnh Trà Vinh đã có quy hoạch tổng thể 100.000 ha để nuôi thủy sản. Nhưng mới chỉ khai thác được 50.000 ha. Dựa vào địa hình, Trà Vinh phân vùng nuôi với những loại thủy sản khác nhau. Khu vực nước mặn, lợ thuộc các huyện: Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang nuôi tôm sú và nghêu, sò huyết.
Diện tích nuôi tôm sú vùng này khoảng 24.000 ha. Nông dân ở đây đã thực hiện rất nhiều mô hình nuôi như: chuyên canh; một vụ lúa, một vụ tôm; tôm-cua; quảng canh... nhưng cách nuôi hiệu quả nhất là nuôi bán thâm canh, thả thưa với mật độ từ 10 đến 15 con/m2. Cách nuôi này, tôm mau lớn, đạt trọng lượng từ 17 đến 20 con/ kg. Do đất ít lại không có đất hoang nên Trà Vinh không có “đại gia” nuôi tôm.
Ở đây đã tổ chức được nhiều tổ hợp tác như: đường nước, con giống, hùn đất, bỏ vốn làm ăn chung, tiêu thụ sản phẩm... Cách làm này của Trà Vinh được coi là độc đáo nhất ĐBSCL. Tổng sản lượng thu hoạch từ nuôi tôm sú năm 2005 đạt 17.500 tấn, tăng 24% so với năm 2004. Năm 2006, niên vụ chưa kết thúc nhưng nhiều khả năng đạt được sản lượng trên.
Tại các bãi bồi ven biển, Trà Vinh còn có mô hình nuôi nghêu và sò huyết. Tuy diện tích nuôi còn khiêm tốn (1.500 ha/6.000 ha) nhưng hiệu quả đạt 1 vốn, 4 lời. Tổng sản lượng khai thác vụ mới đây đạt 2.500 tấn nghêu, sò. Ở đây tổ chức được 9 tổ hợp tác và hợp tác xã đều làm ăn có hiệu quả.
Đặc biệt, HTX Phương Đông, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải có 270 thành viên mới thu hoạch vụ nghêu đạt trên 30 tỷ đồng. Các HTX nuôi nghêu đã giải quyết cho 1.785 xã viên có việc làm ổn định, thu nhập cao; bỏ te xịp và các loại phương tiện khai thác cạn kiệt ven biển.
Ở các huyện vùng nước ngọt, ven sông Hậu như: Cầu Kè, Tiểu Cần, ngoài nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, vài ba năm nay có phong trào nuôi khoảng 100 ha cá tra, cá ba sa khá hiệu quả. Các huyện Càng Long, Châu Thành và thị xã Trà Vinh cũng nuôi tôm càng, cá các loại và nhiều loại thủy sản khác cho thu nhập cao.
Nuôi thủy sản ở Trà Vinh có bước phát triển khá nhưng nhìn chung chưa xứng với tiềm năng. Nhiều nơi nuôi còn mang tính tự phát; phần lớn lại tập trung ở các vùng mặn, lợ; các vùng nước ngọt còn yếu. Mức độ đầu tư cho nghề nuôi còn thấp. Hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh. Trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đều. Chưa chủ động được nguồn giống nuôi... Vì thế mà phong trào nuôi chưa ổn định và thiếu vững chắc.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm thủy sản, việc điều chỉnh quy hoạch nuôi phải dựa vào khai thác có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, phục vụ xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết.
Trước hết phải làm tốt việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến từng người nuôi. Kiện toàn hệ thống sản xuất và cung ứng giống có chất lượng, đầy đủ. Xây dựng trung tâm giống của tỉnh với hệ thống các trại giống cả 3 vùng mặn, lợ, ngọt. Thực hiện tốt quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống. Củng cố và nhân rộng các mô hình nuôi, các tổ chức sản xuất hiệu quả như: tổ hợp tác, HTX, các chi hội, tổ chức cộng đồng. Đặc biệt là nuôi rải vụ để có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu quanh năm.
THANH LÊ