Lấy ý kiến việc các trường bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường. Hiện trường bắt đầu xây dựng thủ tục quy trình và ra thông báo để giảng viên, nhà khoa học có thể nộp vào đăng ký xin được bổ nhiệm GS, PGS. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, trong đó có ý kiến ủng hộ, có ý kiến không đồng tình.
Lấy ý kiến việc các trường bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư

Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường. Hiện trường bắt đầu xây dựng thủ tục quy trình và ra thông báo để giảng viên, nhà khoa học có thể nộp vào đăng ký xin được bổ nhiệm GS, PGS. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, trong đó có ý kiến ủng hộ, có ý kiến không đồng tình.

Nên ủng hộ trường “tự phong” GS, PGS?

Theo lý giải của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) thì việc trường phong GS, PGS là một hình thức bổ nhiệm một chức vụ chuyên môn ở trong trường. “Mục đích bổ nhiệm này nhằm phân công nhiệm vụ các thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường. Nhà trường đã tham khảo hoạt động của các trường ĐH ở các nước tiên tiến trên thế giới về các tiêu chí bổ nhiệm trợ lý GS, PGS, GS, trên cơ sở đó vận dụng vào thực tế của trường. Các nội dung, quy định về việc bổ nhiệm GS, PGS sẽ được thông báo rộng rãi trên website của trường để các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên đăng ký nếu họ thấy mình xứng đáng được bổ nhiệm.

Một buổi lễ công bố quyết định phong GS và PGS của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước

Ở các nước trên thế giới, khi một giảng viên thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chuẩn thì trường ĐH có thể phong hàm PGS, GS. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc phong này sẽ do Hội đồng Chức danh GS Nhà nước thực hiện với quy trình chặt chẽ từ cấp cơ sở. GS, PGS  là các chức danh khoa học cao quý của các nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, đã được khẳng định và quy định trong Luật Giáo dục đại học. Định nghĩa và tiêu chuẩn, nội hàm của các chức danh này đã được Thủ tướng Chính phủ quy định. Bởi vậy, câu chuyện sẽ tự phong GS, PGS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang gây tranh luận rất sôi nổi.

Việc các trường ĐH tự xây dựng các tiêu chí và bổ nhiệm PGS, GS khá phổ biến ở các nước. Tuy vậy, họ vẫn có một điểm chung là các ứng viên đều phải trải qua một quy trình xem xét với các tiêu chí rất chặt chẽ. Như vậy thì danh tiếng của PGS, GS mới được bảo đảm. Tại Việt Nam, nhiều ý kiến lo ngại, nếu cho các trường ĐH ở Việt Nam tự phong GS, PGS sẽ gây “loạn” GS, PGS vì sẽ lẫn lộn giữa GS, PGS Nhà nước với của trường tự phong.

Đã có không ít ý kiến ủng hộ việc giao quyền tự chủ bổ nhiệm GS, PGS cho trường ĐH. “Chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ tự mình phong PGS, GS cho giáo viên của trường (hoặc ngoài trường nếu họ muốn), theo tôi là điều phù hợp với quyền tự chủ của mỗi trường đại học. Tuy nhiên, để tránh sự hiểu nhầm vì Nhà nước cũng đã có PGS và GS rồi, thì với GS, PGS của các trường ĐH, cần gọi rõ là PGS (hoặc GS) của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chẳng hạn. Ví dụ, trên danh thiếp phải viết: ông Nguyễn Văn A, GS của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thế là ổn!”,  PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm.

TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng, việc bổ nhiệm GS thực chất là việc nội bộ của các trường ĐH và nên để các trường tự thực hiện theo tiêu chuẩn đã định. Nếu có sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử phạt sau đó và yêu cầu bãi nhiệm các trường hợp sai phạm. 

Bộ GD-ĐT sẽ sớm lấy ý kiến xã hội

Trao đổi với Báo SGGP, ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, bộ GD-ĐT, người được bộ giao phát ngôn về việc này, cho biết: “Sau khi được Thủ tướng giao quyết định tự chủ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có văn bản về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm GS, PGS. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo thì trường đã phát hiện ra sai sót kỹ thuật của văn bản này. Bộ GD-ĐT đã trao đổi với nhà trường và hiện nhà trường đã tạm dừng văn bản trên, không thực hiện nữa mà chờ bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, trường cũng đã có báo cáo gửi các cơ quan liên quan là Bộ GD-ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề này. Hiện nay trường chưa bổ nhiệm GS, PGS cho bất kỳ ai”.

Vẫn theo ông Thập, thực tế, trong các quyết định về giao quyền tự chủ cho ĐH hiện nay, chưa có bất kỳ quy định nào về việc giao cho trường quyền tự chủ bổ nhiệm GS, PGS. Quy định hiện hành là sau khi đã được Hội đồng GS Nhà nước công nhận đạt chuẩn GS, PGS thì người được công nhận đạt tiêu chuẩn mới đăng ký ở trường ĐH để được trường bổ nhiệm. Tức là trước khi được trường bổ nhiệm thì ứng viên đã phải được Hội đồng GS Nhà nước công nhận đạt chuẩn. “Trường đại học chưa được quyền công nhận đạt chuẩn GS, PGS”, ông Thập khẳng định.

Việc trao quyền tự chủ cho các trường bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo như thông lệ và tiêu chuẩn của nhiều nước tiên tiến trên thế giới sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, việc này nên áp dụng ở Việt Nam vào thời điểm nào, khi nào và như thế nào là việc cần phải bàn kỹ. Học theo cách làm quốc tế nhưng phải theo các chuẩn mực khoa học quốc tế, nếu không, sẽ gây “loạn”, sẽ xảy ra hiện tượng “lách luật”. Vì lẽ đó, theo ông Nguyễn Hải Thập, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan sẽ sớm triển khai việc rà soát lại các quy định về tiêu chuẩn công nhận, bổ nhiệm GS, PGS. Từ đó xây dựng đề án về việc bổ nhiệm GS, PGS cho các trường ĐH. “Chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi về việc này, nếu nhận được đồng thuận cao sẽ trình lên Thủ tướng để có quyết định. Nói chung, đây là nguyện vọng của các trường ĐH, Bộ GD-ĐT không thể làm ngơ việc này”, ông Thập cho biết.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục