Lễ chùa Tết Canh Dần: Lòng thành hướng thiện

Lễ chùa Tết Canh Dần: Lòng thành hướng thiện

Tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” của UBND TPHCM, các hoạt động tín ngưỡng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay đều hướng đến tinh thần tiết kiệm và từ thiện. Việc này đã tạo được nếp nghĩ, nếp làm mới trong người dân.

Hạn chế đốt nhang

Thầy Thích Giác Dũng, Phó ban Quản trị chùa Vĩnh Nghiêm (phường 7, quận 3), cho biết: “Mặc dù ở mỗi cầu thang lên xuống chánh điện đều có bảng quy định mỗi phật tử chỉ đốt tối đa 3 nén nhang khi vào lạy Phật nhưng chùa vẫn phải thường xuyên cử người đi nhắc nhở và dập tắt bớt nhang do phật tử đốt. Vào cao điểm, bên cạnh việc đọc loa nhắc nhở bà con hạn chế đốt nhang, chùa còn huy động lực lượng tình nguyện túc trực ở các cửa chánh điện, kịp thời nhắc nhở người dân.

Ở chùa Viên Giác (phường 16, quận 8), hai bên chánh điện đều có các tấm bảng lớn ghi dòng chữ: “Tâm thành đốt một nén nhang. Xin bà con mỗi bàn thờ chỉ đốt một cây nhang”. Quý phật tử nào cầm nguyên bó nhang vào chánh điện sẽ được yêu cầu để lại bên ngoài. Riêng chùa Quan Âm (phường 11, quận 5), khách vào viếng chùa được phát tối đa 5 cây nhang, ai mua nguyên bó được khuyên đem về nhà hoặc để lại cho chùa làm công quả. Chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh) còn quy định phật tử không đốt nhang trong chánh điện. Các chùa Diệu Quang (phường An Lạc, quận Bình Tân), Dược Sư (phường 11, quận Bình Thạnh), Phật Quang (phường 7, quận 10)… cũng nhắc nhở phật tử chỉ thắp 1 cây nhang ở mỗi lư hương.

Lễ chùa Tết Canh Dần: Lòng thành hướng thiện ảnh 1

Đại diện chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM) trao quà từ thiện cho người nghèo ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Tuy vậy thầy Chỉnh Phúc, sư thầy ở chùa Vạn Phước (phường 13, quận 11) vẫn tỏ ra lo lắng: “Mấy ngày tết, đặc biệt là đêm giao thừa và sáng mùng 1, khách đến viếng chùa rất đông, chùa không thể kiểm soát hết. Do đó, chùa chỉ có thể cử người đi dụi bớt nhang do phật tử đốt”. Đại diện chùa Việt Nam Quốc tự (phường 12, quận 10) cũng bày tỏ: “Chùa có để bảng nhắc nhở quý phật tử đến viếng chùa chỉ đốt tối đa 3 nén nhang nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen đốt nguyên bó. Khói nhang bám đầy trên các tượng Phật khiến mỗi năm chùa đều phải bỏ ra cả chục triệu đồng sơn sửa lại”.

Thầy Chúc Thông ở chùa Bảo Tịnh (phường 17, quận Bình Thạnh) nói: “Những ai còn giữ thói quen đốt nhiều nhang vào dịp lễ, tết là do chưa hiểu đạo lý nhà Phật. Đức thế tôn có dạy giới hương chỉ phụ thuộc vào sự tu niệm. Cái được chứng giám là lòng thành chứ không phải khói nhang”.

Góp sức làm việc thiện

Cụ Hồng Thái Sơn, Phó ban Quản trị chùa Quan Âm, chia sẻ: “Năm nào chùa cũng tổ chức thu gom nhang thừa đem về giúp đỡ chùa nghèo ở các tỉnh. Ngoài ra, chùa còn vận động quý phật tử đóng góp quần áo cũ, mì gói, gạo và các loại thực phẩm khô, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”. Vừa qua chùa đã trao 2.500 phần quà tết cho các hộ dân nghèo trên địa bàn quận 5, trị giá mỗi phần hơn 150.000 đồng.

Riêng ở chùa Diệu Pháp, do vị trí nằm gần sông nên nhiều năm nay người dân có thói quen mua cá đến phóng sinh. Tuy nhiên, nhà chùa luôn nhắc nhở bà con phật tử giảm việc mua cá phóng sinh, thay vào đó đề nghị người dân nên dùng tiền làm từ thiện. Đã có hơn 1.000 phần quà tết và 3.000 căn nhà tình thương do quý chư tăng, phật tử chùa Vĩnh Nghiêm trao tặng đồng bào nghèo ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa; 600 suất mổ mắt, 800 chiếc xuồng và 50 dàn máy dệt chiếu cói được quý tăng ni, phật tử chùa Châu An trao tặng đồng bào nghèo ở các tỉnh miền Tây, là những món quà xuân vô cùng quý giá trong dịp Tết Canh Dần.

Nhà chùa bây giờ không chỉ là nơi thờ cúng theo phong tục, tín ngưỡng mà còn là nơi đồng hành cùng các hoạt động xã hội. Nhiều chùa đã được tặng bằng khen của TPHCM, Trung ương về công tác chăm lo người nghèo. Và mỗi độ xuân về, hàng ngàn chuyến quà tặng chan chứa tình nghĩa ấy lại ngược xuôi khắp mọi miền đất nước, đem lại niềm vui cho biết bao cảnh đời nghèo khó…

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục