Trong đó có nhấn mạnh việc siết chặt quản lý, không cấp phép đối với các lễ hội có chứa đựng các nội dung thể hiện sự kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác… Dự thảo Nghị định gồm 4 chương (Những quy định chung; Tổ chức hoạt động lễ hội; Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội và Điều khoản thi hành) gồm 19 điều. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này bao gồm: Lễ hội dân gian; Lễ hội lịch sử, cách mạng; Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch; Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra các điều kiện để được cấp giấy phép tổ chức lễ hội. Trong đó, các hoạt động lễ hội được cấp phép khi đáp ứng các yêu cầu như không thể hiện các nghi thức mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị; Mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; Đảm bảo nội dung của phần nghi lễ và các hoạt động khác nằm trong khuôn khổ của lễ hội không chứa đựng các nội dung thể hiện sự kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam; Nội dung, hình thức lễ hội không tuyên truyền mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú và các hiện tượng tương tự khác trong hoạt động lễ hội; Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội để thương mại hóa nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Dự thảo cũng quy định rõ về thẩm quyền cấp phép trong hoạt động lễ hội; hồ sơ cấp giấy phép; trình tự, thủ tục cấp phép đối với các loại hình lễ hội…
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm quản lý lễ hội của Bộ VH-TT-DL, của UBND cấp tỉnh, của các Bộ có liên quan và xử lý vi phạm theo các quy định về hành chính, quy định pháp luật theo tính chất, mức độ vi phạm. Dự kiến trong phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 8, Thủ tướng sẽ cho ý kiến chỉ đạo và lấy ý kiến chỉnh sửa.