Lễ Quốc khánh 2-9, ngành giao thông đã sẵn sàng

Tăng chuyến trên nhiều tuyến xe buýt
Lễ Quốc khánh 2-9, ngành giao thông đã sẵn sàng

Xe buýt tăng chuyến, phà tăng lượt, xe đò sẵn sàng... Đó là ghi nhận kế hoạch chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của người dân một tuần trước lễ Quốc khánh từ ngành chức năng của TPHCM.

Ngành vận tải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp lễ 2-9. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Ngành vận tải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp lễ 2-9. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Tăng chuyến trên nhiều tuyến xe buýt

Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (QL-ĐHVTHKCC) cho biết, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, ngành vận tải dự trù sẽ tăng chuyến trên 17 tuyến xe buýt với tổng số chuyến tăng cường khoảng 1.127 chuyến. Tất cả các tuyến được tăng thêm số chuyến hầu hết đều đi ngang hoặc đi đến các tụ điểm vui chơi giải trí lớn, trọng điểm của thành phố, các khu dân cư sầm uất. Tiêu biểu như các tuyến Bến Thành - Công viên Đầm Sen, tuyến Tân Hương - Suối Tiên, tuyến Bến xe An Sương - Đền vua Hùng, tuyến phà Bình Khánh - Cần Thạnh… Trung tâm QL-ĐHVTHKCC cũng dự báo khả năng tăng mạnh hành khách trên các tuyến xe buýt tỏa về các tụ điểm vui chơi giải trí ở địa bàn các tỉnh liền kề như Tây Ninh, Bình Dương... Vì thế, theo kế hoạch, tuyến Bến Thành - Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ được tăng thêm chuyến trong 3 ngày nghỉ lễ, bắt đầu từ 31-8 đến hết ngày 2-9. Tương tự, các tuyến Bình Mỹ - Bình Dương, tuyến Bến Thành - Khu du lịch Đại Nam, tuyến Bến Thành - Lái Thiêu - Khu du lịch Đại Nam, tuyến Bến xe miền Tây - Khu du lịch Đại Nam, tuyến Bến xe An Sương - Bến xe Bình Dương dự kiến sẽ tăng hàng trăm chuyến… Riêng ngày chủ nhật 1-9, tuyến xe buýt Bến Thành - Mộc Bài sẽ hoạt động 48 chuyến, tính ra cứ bình quân 15 phút có một chuyến xuất bến. Cũng trong ngày cao điểm này, hàng ngày, tuyến Bến xe An Sương - Đại học Quốc gia sẽ có 456 chuyến lăn bánh, tương đương 2 - 3 phút có một chuyến xuất bến; tuyến Bến Thành - Khu du lịch Đại Nam hoạt động 42 chuyến…

Có tuyến được tăng thêm số chuyến thì cũng có tuyến buýt sẽ phải rút bớt số chuyến hoặc thậm chí ngưng hẳn hoạt động. Đó là trường hợp của các tuyến chuyên biệt đi/đến các trường đại học với đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên, học sinh. Cụ thể, tuyến Bến xe Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm, tuyến Bến xe quận 8 - Thủ Đức sẽ chuyển sang vận hành theo biểu đồ của ngày thấp điểm nhất trong tuần bình thường, tức là ngày nghỉ chủ nhật vốn dĩ có thời gian giãn cách dài hơn ngày làm việc. Tuyến Đại học Quốc gia - Đại học Bách khoa ngưng hoạt động từ ngày 1-9 đến hết ngày 4-9 và hoạt động lại bình thường từ ngày 5-9; tuyến Bến Thành - Đại học Quốc tế và tuyến Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng ngưng hoạt động trong ngày 2-9.

Không tùy tiện đón khách

Tại khu vực Bến xe miền Đông - bến xe khách liên tỉnh chủ lực của thành phố thường xuyên chịu “sức ép” quá tải khi bước vào mùa phục vụ lễ, tết do lượng hành khách đổ dồn vào bến hết sức hùng hậu, thậm chí số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông Nguyễn Ngọc Thừa một mặt đề nghị các ngành chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiên quyết xử lý nghiêm và triệt để tình trạng xe dù, mặt khác yêu cầu các đơn vị vận tải quản lý tốt đội xe của đơn vị mình, không để xe của doanh nghiệp mình tùy tiện đón trả khách không đúng chỗ. “Nếu phát hiện xe nào vi phạm, Bến xe miền Đông sẽ từ chối tiếp nhận xe đó vào bến hoạt động” - ông Thừa nhấn mạnh.

Bến xe An Sương dự kiến lượng khách tăng 30% - 40% so với ngày thường, cao điểm rơi vào chiều 30-8 và sáng 31-8. Trong khi bến xe Ngã tư Ga do đặc thù là bến xe chủ yếu phục vụ hành khách đi các tuyến thuộc khu vực phía Bắc nên ít biến động. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến bãi vận tải Sài Gòn Phạm Tiến Dũng - đơn vị quản lý Bến xe An Sương và Bến xe Ngã tư Ga đã đề nghị các đơn vị vận tải không cấp lệnh hợp đồng vận tải hành khách du lịch cho các phương tiện đã đăng ký hoạt động tại Bến xe An Sương trong những ngày cao điểm lễ. Ông Dũng cũng lưu ý Trung tâm QL-VTHKCC có kế hoạch tăng cường phương tiện đối với các tuyến xe buýt đi về Bình Dương, Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây. Còn tại Bến xe miền Tây, ban giám đốc bến xe cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng công an địa phương, thanh tra giao thông vận tải để xử lý tình trạng xe dù, lập bến bãi đỗ, đón trả khách trái phép.

Trong khi đó lực lượng thanh tra GTVT cũng đã sẵn sàng tung quân thanh tra, kiểm tra nhắm vào đối tượng là các loại ô tô chở khách, xe khách liên tỉnh. Trọng điểm được ưu tiên “chăm chút” trong dịp lễ này sẽ là những bến xe khách đầu mối chính tại thành phố, bao gồm Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Bến xe Chợ Lớn, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga cũng như toàn bộ các cửa ngõ ra vào thành phố khác. Tất cả những cung đường vào, ra các bến xe đầu mối này như tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh - quận Bình Thạnh, Kinh Dương Vương - quận Bình Tân, quốc lộ 22 đoạn từ ngã tư An Sương dẫn về Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn, quốc lộ 1A đoạn xung quanh cầu vượt Ngã tư Ga thuộc quận 12… đều nằm trong vùng “phủ sóng” của lực lượng thanh tra, kiểm tra.

Lực lượng tuần tra, kiểm soát cho biết sẽ xử lý nghiêm tất cả những hành vi vi phạm về an toàn vận tải hành khách đường bộ, như chở quá số người quy định; chạy quá tốc độ cho phép; giấy phép lái xe không do cơ quan thẩm quyền cấp, giấy phép đã hết hạn hoặc không đúng hạng xe được điều khiển; lưu thông không đúng phần đường, làn đường; chở hàng hóa quá khổ, quá tải; vi phạm quy định về nồng độ cồn và chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện; đón trả khách không đúng nơi quy định, xe khách không có sổ nhật trình chạy xe, xe không có phù hiệu hoặc phù hiệu và sổ nhật trình không đúng quy định; các hành vi vi phạm về điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện; tránh vượt ẩu; xử lý tình trạng bến “cóc”, xe “dù”, “bán khách, sang tài”, chèn ép hành khách… Trong số này, lực lượng thanh kiểm tra sẽ chú trọng phát hiện, xử lý các phương tiện xe khách, ô tô chở người vi phạm ngay tại nơi xuất phát hoặc xung quanh khuôn viên các bến xe khách, nhà ga.

  • Linh động phục vụ hành khách

Trong một số trường hợp, các bác tài xe buýt sẽ được linh động cho phép xuất bến sớm hơn dự định. Cụ thể, khi số khách tại đầu bến đạt tới 50% sức chứa của xe thì xe buýt được phép xuất bến trước nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ biểu đồ chạy xe. Nếu số khách tại đầu bến chưa đạt tới 50% sức chứa của xe nhưng lượng khách trên tuyến đông thì doanh nghiệp vận tải buýt có thể chủ động tăng chuyến sau khi thông báo trực tiếp cho cán bộ quản lý hoạt động xe buýt đang trực tại bến xe đó. Về nguyên tắc, số chuyến xe buýt tăng cường thêm không được vượt quá 10% số chuyến kế hoạch còn nếu đã đạt đến ngưỡng 10% nhưng lượng hành khách vẫn còn quá đông thì doanh nghiệp vận tải được yêu cầu báo về Trung tâm QL-ĐHVTHKCC để được phối hợp linh động giải quyết.

Trung tâm QL-ĐHVTHKCC cũng đã lưu ý các doanh nghiệp vận tải xe buýt cần chuẩn bị đầy đủ nhân sự và phương tiện, kể cả phương tiện dự phòng để sẵn sàng tung ra giải tỏa hành khách trên các tuyến buýt có trợ giá cũng như hỗ trợ các xe khách liên tỉnh dồn đọng tại các bến xe đầu mối của thành phố.

Trong khi đó “điểm nóng” phà Cát Lái cũng được ngành chức năng đặc biệt chú ý khâu chuẩn bị phục vụ. Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TPHCM Nguyễn Đức Chính cho biết, theo kế hoạch, bến phà Cát Lái sẽ đưa toàn bộ 12 phà các loại vào vận hành 24/24 suốt từ thứ sáu 30-8 đến hết ngày thứ hai 2-9 với tổng cộng 300 chuyến đôi/ngày, tăng 110 chuyến đôi so với ngày thường. Trong những giờ cao điểm, buổi sáng tại đầu bến quận 2 và buổi chiều tại đầu bến huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, thời gian xuất bến giữa 2 chuyến không quá 5 phút. Lực lượng chức năng cũng tổ chức trực 24/24 tại tất cả các cầu trọng điểm hoặc cầu yếu trên địa bàn, sẵn sàng xử lý mọi tình huống phát sinh như phân luồng giao thông khi xảy ra ùn tắc.

  • Nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng biển số 5

(SGGP).- Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến đồng ý với nội dung của đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cụm cảng biển khu vực TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai (cụm cảng biển số 5) của Bộ GTVT. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương để thực hiện tốt đề án này. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ container tại khu cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá ảnh hưởng của các quy định hiện nay về tỷ lệ góp vốn trong các liên doanh xây dựng cảng biển để đề xuất những giải pháp hợp lý, đảm bảo lợi ích quốc gia trong hợp tác liên doanh với nước ngoài về khai thác cảng biển. Bộ Công thương xây dựng chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh dịch vụ logistic. UBND TPHCM hỗ trợ, hướng dẫn các cảng biển trong nội thành di dời đúng tiến độ. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm giữ quỹ đất đã quy hoạch nhằm phát triển lâu dài hệ thống cảng biển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển dịch vụ logistic ở Cái Mép - Thị Vải, tiến hành quy hoạch trung tâm phân phối hàng tại Cái Mép hạ.

Được biết, hoạt động của đại đa số cảng biển ở cụm cảng biển số 5 đang gặp rất nhiều khó khăn do các nguyên nhân cơ bản sau: khủng hoảng kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ…

NGUYỄN KHOA

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục