Tháng 4-2002, sau một thời gian gián đoạn, các cựu võ sĩ, các HLV cũng như các trọng tài quyền Anh của khắp các tỉnh, thành nao nức hoạt động trở lại. Thầy thuốc Lê Việt Phú, một tay đấm của đất Hà Thành từng đoạt ngôi vô địch Đông Dương 1987 cũng góp sức vào những giải đấu đầu tiên đó.
- CẬU HỌC SINH LỚP 10 TRỞ THÀNH NHÀ VÔ ĐỊCH ĐÔNG DƯƠNG
Sinh năm 1966, cậu học sinh lớp 10 trường Hoàn Kiếm (Hà Nội) Lê Việt Phú đã hăm hở tham gia lớp đào tạo võ sĩ đấm bốc ngay khi HLV Cảnh Thịnh đến trường tuyển quân vào mùa xuân năm 1980. Được sự chỉ dẫn tận tình của thầy giỏi, cộng với tố chất thông minh được thừa hưởng từ gia đình (bố là giáo sư trường Đại học Thủy lợi, mẹ là giáo sư trường Đại học Giao thông vận tải) và chuyên cần, một năm sau, Việt Phú đã tiến nhanh về kỹ, chiến thuật, đặc biệt là những quả đấm phản công tay phải khá chuẩn xác. Lối đánh lạ mắt đầy hiệu quả này đã đưa chàng thư sinh đất Hà Thành đăng quang ngôi vô địch Thủ đô lần thứ 1 (1981). Và liên tục trong 6 năm liền, Việt Phú đều bảo vệ thành công ngôi vô địch của mình bằng tài năng và phong độ ổn định. Năm 1987, với lối đánh khá “quái”, đặc biệt là những đòn móc ngang tay trái hiểm hóc và rất nặng ký, Việt Phú đăng quang ngôi vô địch tại giải quyền Anh 3 nước Đông Dương.
- TỪ VÕ ĐÀI ĐẾN PHÒNG KHÁM BỆNH

Một năm sau, Việt Phú treo găng để tiếp tục đến trường. Cả ngày mài đũng quần trên giảng đường Cao đẳng Sư phạm TDTT và trường Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh, Việt Phú còn giảng dạy môn giáo dục thể chất tại trường Lương Thế Vinh để vừa trang trải thêm học phí, vừa để đỡ nhớ nghề. Lý do mà Việt Phú vừa chọn ngành TDTT, vừa đảm thêm nghề “lương y nhừ từ mẫu” chính là nối tiếp truyền thống gia đình khi bố của anh là người bốc thuốc, xem mạch và chữa trị theo phương pháp y học cổ truyền nổi tiếng nhất Sơn Tây.
Hơn 10 năm vừa học vừa thực tập tại phòng mạch của nhà nghiên cứu Lê Văn Sửu đã giúp Việt Phú có vốn kiến thức về nghề khá sâu sắc, đặc biệt trong việc chữa trị chấn thương kết hợp y học cổ truyền với y học TDTT, để rồi cuối năm 2002, niềm vui của Việt Phú được nhân đôi khi tham gia điều hành Cúp CLB quyền Anh toàn quốc lần thứ 1 tại Hà Nội, và khai trương phòng mạch tại nhà (số 25 phố Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội).
- NGƯỜI CHỮA BỆNH CHO CÁC “VIP” QUYỀN ANH NGHIỆP DƯ THẾ GIỚI
Phòng mạch của “bác sĩ đấm bốc” (biệt hiệu mà các võ sĩ đặt cho Việt Phú) không lúc nào vắng khách. Từ những người bị nhức mỏi cơ thể nhẹ cho đến những bệnh nhân lâm vào bệnh hiểm nghèo cũng đã được Việt Phú chữa lành bệnh. Với những thành công đó, anh được bộ môn quyền Anh Việt Nam tín nhiệm và giao phụ trách vai trò bác sĩ của ĐT quyền Anh Việt Nam tại SEA Games 22 cũng như phụ trách công tác y tế của các giải đấu quốc gia từ giải Cúp CLB toàn quốc lần 1 (2002) cho đến Đại hội TDTT toàn quốc lần V-2006 cũng như các giải quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Đi cùng đội tuyển sang tập huấn tại Thái Lan để chuẩn bị cho SEA Games 22 (7-2003), Việt Phú đã chữa lành bệnh chèn ép thần kinh cột sống L4, L5 cho phu nhân Chủ tịch LĐ quyền Anh Thái Lan. Ngay sau đó, từ HLV đến các võ sĩ đội tuyển quyền Anh Thái Lan bị chấn thương nặng đều nhờ đến sự “mát tay” của Việt Phú. Không quá ngạc nhiên khi Trưởng đoàn quyền Anh Thái Lan sang dự giải VĐ Đông Nam Á (Hà Nội; 1-2005) khẳng định: “Thành công của nhà vô địch Olympic Athens 2004 hạng -69kg Boonjumnong Manus của Thái Lan là có một phần công lao của bác sĩ Phú !”
Chưa hết, nhân dịp sang dự giải trẻ châu Á 2004 (Hà Nội; 7-2004) và VĐ Đông Nam Á 2005 (Hà Nội; 1-2005), Chủ tịch Hiệp hội quyền Anh nghiệp dư thế giới (AIBA) Anwer Chowdhry và Giám đốc trọng tài AIBA Sabit M Kamel đều tìm thầy thuốc Việt Phú chữa trị chấn thương cột sống cho mình.
Tại giải VĐ châu Á (TPHCM; 8-2005), bác sĩ Phú đã được AIBA cấp bằng công nhận bác sĩ quyền Anh chuyên nghiệp của AIBA. Một tấm thẻ hành nghề khá giá trị để anh vững tin hơn trong nghề. Với bản tính không bằng lòng với thực tại, tôi tin anh sẽ còn cố gắng nhiều hơn nữa để nâng cao trình độ để góp công sức nâng cao trình độ quyền Anh Việt Nam.
PHẠM HÀ