Biển Đông chưa yên khi các hoạt động của Trung Quốc đang gây bất ổn cho khu vực này. Ngày 16-5, chỉ huy Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, tướng 4 sao Robert Neller tuyên bố, “một số nước” đang đẩy mạnh các lợi ích của họ ở biển Đông bằng cách mở rộng các đường biên giới, “những hành động đó rất tinh vi và được tính toán kỹ, song chúng không giúp ích cho ổn định khu vực”.
Tuyên bố của tướng Robert Neller được đưa ra đúng vào ngày mà Trung Quốc bắt đầu đơn phương ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá trên biển Đông (đến ngày 1-8) theo thông báo ngang ngược trước đó của Bắc Kinh. Phạm vi trải dài từ 12 vĩ độ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc bộ và bãi cạn Scarborough (một số khu vực thuộc chủ quyền biển Việt Nam). Tuyên bố trên được đưa ra 3 ngày sau khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo thường niên về hoạt động quân sự của Trung Quốc trong năm 2016, trong đó nhận định Trung Quốc đang sử dụng “các chiến thuật cưỡng bức” mở rộng sự hiện diện của mình ở biển Đông và những khu vực khác. Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ rõ sự phát triển mạnh về tiềm lực quân sự của Trung Quốc và nỗ lực của nước này trong việc khẳng định âm mưu độc chiếm ở biển Đông (và cả biển Hoa Đông).
Không chỉ tiến hành các hành động ngang ngược tại biển Đông, trước đó, ngày 13-5, Cơ quan Hiệp ước và Luật pháp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận quyền tài phán của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) trong tranh chấp biển Đông và ngoan cố cho rằng phán quyết của tòa về vụ Philippines kiện Bắc Kinh (dự kiến sẽ được đưa ra trong tháng này hoặc tháng sau) là “vô giá trị”. Theo các thông tin từ Washington, Trung Quốc còn có ý đồ thực hiện một số hành động tại bãi cạn Scarborough để “thể hiện sự tức giận của mình” với quyết định sắp tới của PCA với vụ kiện của Philippines.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng việc Mỹ và Philippines đang thực hiện chuyển giao quyền lực để có những thay đổi trên biển. Bắc Kinh sẽ hành động trước khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng, nếu không các động thái của Trung Quốc sẽ được coi là thách thức trực tiếp với tân tổng thống Mỹ. Trong lúc này, khi PCA chưa đưa ra phán quyết, giới chức Trung Quốc ráo riết tìm kiếm sự ủng hộ trên khắp thế giới, thậm chí dùng nhiều chiêu bài đổi chác khác nhau để có được sự ủng hộ.
Theo BBC, trước mâu thuẫn về vấn đề biển Đông ngày càng gia tăng, Trung Quốc đẩy nhanh biện pháp xây dựng đảo, đá nhân tạo trái phép, tuần tra bằng tàu chiến để tăng cường kiểm soát trên biển Đông, chính sách ngoại giao cũng được coi là chuyển sang hướng cứng rắn. Cái giá phải trả là hình ảnh và danh dự Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng, khiến cộng đồng quốc tế dấy lên lo ngại về vai trò trong tương lai của nước lớn mới nổi này.
Theo đó, không những chủ quyền của Trung Quốc không được ủng hộ và thừa nhận mà còn bị gắn thêm cái mác tiêu cực là “cậy lớn hiếp bé”, “bất chấp luật pháp quốc tế”. Nếu nhìn lại sẽ thấy từ đầu năm 2016, liên tục có các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế bày tỏ thái độ về vụ kiện ở biển Đông. Phần lớn đều ủng hộ quyền tự do hàng hải trên biển và cho rằng tất cả các tranh chấp liên quan cần được giải quyết thông qua thương lượng và thỏa thuận giữa các bên liên quan, tuân thủ đầy đủ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC) cũng như thực hiện phương châm hành động tiếp theo của DOC.
HẠNH CHI