Lenovo và tham vọng trong thế giới phẳng

Lenovo và tham vọng trong thế giới phẳng ảnh 1

Năm 2005, người khổng lồ IBM (Mỹ) bán toàn bộ mảng sản xuất máy tính cá nhân của mình cho Tập đoàn Lenovo (Trung Quốc). Các bên muốn biến Lenovo trở thành nhà sản xuất máy tính lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Dell và Hewlett Packard (HP).

Lenovo chọn William Amelio, nguyên là lãnh đạo cao cấp của hãng Dell để làm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) và đồng thời cơ cấu các vị trí quản lý cao nhất không có người Trung Quốc. Ông Deepak Advani (ảnh), người Mỹ gốc Ấn, trước đây là Phó Chủ tịch Marketing trong mảng máy tính cá nhân IBM được bổ nhiệm trở thành Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc Marketing của Lenovo. Ngoài ra, trụ sở toàn cầu của Lenovo không ở Bắc Kinh mà được đặt tại Raleigh, thủ phủ bang Bắc Carolina (Mỹ).

Trao đổi với tờ Nhân dân Nhật báo (People Daily - Trung Quốc) về cách xây dựng thương hiệu Lenovo, ông Deepak Advani kể câu chuyện dài về kinh nghiệm 13 năm làm marketing tại mảng máy tính cá nhân IBM giúp ông hoạch định rất nhiều kế hoạch cho Lenovo. Sau khi sát nhập, đã có một số đề nghị phát triển thêm các nhãn hiệu phụ nhưng Advani chỉ tập trung vào thương hiệu Lenovo. Ông giải thích: “Khi người ta mua điện thoại di động Samsung, người ta ít nói đã mua loại nào mà chỉ nói mua Samsung.

Khi người ta mua tivi Panasonic, họ sẽ không nói loại nào mà chỉ nói tivi Panasonic. Lý do là Samsung, Panasonic, Microsoft hay Intel đều là những thương hiệu lớn. Và chúng tôi muốn xây dựng một nhãn hiệu như thế cho Lenovo.” Cũng trong thời gian đó, dù các đồng nghiệp người Trung Quốc đưa ra những cái tên rất hay nhằm đặt cho các dòng sản phẩm khác nhau nhưng Advani không đồng ý.

Giữ vững quan điểm của mình, Advani trực tiếp gặp mặt từng người, giải thích cặn kẽ về chiến lược xây dựng thương hiệu nhất quán và hầu như mọi người đều hiểu ông.

Cũng cần nhắc lại trước đây, Lenovo từng bị chê hay phản đối ở Mỹ vì lý do đó là công ty Nhà nước của Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Mỹ từng quyết định không sử dụng máy tính Lenovo cho các công tác mật. Đây là một khó khăn rất lớn đối với hãng và đối sách của Lenovo luôn nỗ lực tối đa thông báo cho khách hàng biết rằng: Lenovo phát triển hướng theo thị trường và Chính phủ Trung Quốc không có quyết định gì trong công ty.

Lenovo và tham vọng trong thế giới phẳng ảnh 2

Ông Deepak Advani

Ngoài ra, hãng cũng công bố sẽ tự ra quyết định như bất cứ doanh nghiệp nào trên thị trường tự do. Ông Advani nói: “Đối với chúng tôi, chuyển tải thông điệp này đến báo chí, khách hàng và những người có ảnh hưởng là một chiến lược. Bây giờ đã có người đứng về phía ủng hộ chúng tôi và nhiều bài viết phân tích tích cực đã được đăng trên các tờ báo”.

Để tiếp thị hình ảnh, Lenovo không bỏ qua Olympic Bắc Kinh 2008 và dành hẳn một chiến lược đi cùng sự kiện trọng đại này. Theo ông Advani, “Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, thể hiện tinh thần quốc tế và đam mê vươn tới những đỉnh cao. Đó cũng là các giá trị của Lenovo. Do đó, việc đi cùng Olympic với các đối tác như Coca Cola và Samsung là rất hay”. 

Về cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu trong cùng lĩnh vực, Advani cho biết mỗi công ty có kiểu kinh doanh khác nhau. Như Dell và Acer chỉ chú ý vào hiệu quả kinh doanh nên hiệu quả rất cao, nhưng do họ không làm công tác R&D (nghiên cứu và phát triển) nên giá bán thấp. Những công ty khác như Sony hay Apple thì chú ý nhiều đến cải tiến sản phẩm. Đối với Lenovo, hãng nhờ vào thị trường Trung Quốc đông dân nên bảo đảm hiệu quả về kinh doanh, còn IBM sẽ là đối tác bảo đảm về cải tiến sản phẩm. Điểm yếu của Lenovo so với một số đối thủ là qui mô hoạt động nhưng Lenovo đủ sức cạnh tranh dựa vào các lợi thế sẵn có.

Cho đến hiện nay, IBM vẫn là thương hiệu rất mạnh tạo nhiều ưu thế giúp Lenovo phát triển. Tuy nhiên, việc Lenovo sẽ thực hiện thành công tham vọng trở thành “thương hiệu cả thế giới ưa thích” hay không, vẫn còn là vấn đề của tương lai.

TƯỜNG THỤY tổng hợp

Tin cùng chuyên mục