Leo thang xung đột

Các vụ pháo kích của Israel vào Dải Gaza sáng 30-7 đã làm ít nhất 43 người Palestine thiệt mạng. Điểm nóng Trung Đông đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao khi số người chết trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas chỉ trong gần 1 tháng qua đã lên tới hơn 1.200 người.

Các vụ pháo kích của Israel vào Dải Gaza sáng 30-7 đã làm ít nhất 43 người Palestine thiệt mạng. Điểm nóng Trung Đông đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao khi số người chết trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas chỉ trong gần 1 tháng qua đã lên tới hơn 1.200 người.

 Ngoài con số thương vong, một thông tin rất đáng lưu ý nhưng ít người biết đến đã được tờ L’Express đăng tải đó là: Israel dường như sử dụng vũ khí hóa học, một loại nước “bí ẩn” để ngăn chặn xảy ra các cuộc bạo động trên đường phố.

Người dân ở miền Đông Jerusalem gọi thứ nước trên là “nước bẩn”. Loại nước này thấm sâu vào tường nhà và bốc mùi rất khó chịu. Nhiều người cho rằng mục đích của loại nước này là để ngăn không cho mọi người tụ tập xuống đường; phải “nhốt mình” trong nhà thay vì gặp gỡ nhau. Biện pháp này đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội bởi nó như một kiểu trừng phạt tập thể và là một hành động sỉ nhục người dân.

Tuy nhiên, “nước bẩn” không phải là thứ vũ khí duy nhất được Tel Aviv sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra. Tổ chức nhân quyền Palestine và nhóm nhân quyền B’Tselem của Israel đã tố cáo quân đội Israel đã sử dụng loại đạn mũi tên bắn ra từ xe tăng khi tấn công vào Dải Gaza. Khi đạn nổ, khoảng 5.000 mũi tên thép có đội dài 3,7cm được phóng ra. Theo B’Tselem, đạn mũi tên có phạm vi phân tán trong một vòm hình nón dài 300m và rộng 90m. Do đó, nó có thể gây sát thương lớn cho người dân nếu được sử dụng tại những khu vực như Dải Gaza. Mặc dù Israel cho rằng sử dụng loại vũ khí này là hợp pháp, song với mức sát thương lớn như vậy, các tổ chức nhân quyền trên thế giới đều xem loại đạn pháo này là vũ khí “chống lại con người”.

Lịch sử đã từng chứng kiến Israel sử dụng phốt pho trắng vào các năm 2006 và 2008, chất hóa học bị luật pháp quốc tế cấm sử dụng bởi những tác hại lâu dài cho môi trường và đe dọa nghiêm trọng tính mạng của con người. Chưa kể Israel cũng là quốc gia đến nay chưa ký kết hiệp ước cấm vũ khí hóa học và từ chối lệ thuộc vào hiệp ước này.

Thế nhưng, Israel, lại thường cáo buộc chính phủ nhiều nước, mới nhất là Syria, sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc xung đột. Chưa nói đến việc thông tin mà Tel Aviv cáo buộc có chính xác hay không, nhưng một quốc gia sử dụng vũ khí hóa học và đứng ngoài luật điều chỉnh về vũ khí hóa học lại đi lên án một quốc gia khác thật sự khó chấp nhận. Israel phản đối một quốc gia là thành viên của Tổ chức cấm vũ khí hóa học, chấp hành các điều chỉnh của hiệp ước chống vũ khí hóa học và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong nỗ lực tiêu hủy kho vũ khí hóa học.

Trong mỗi cuộc chiến, mục tiêu các bên tham chiến đặt ra là tiêu diệt tối đa sinh lực địch. Vì vậy, họ không ngần ngại sử dụng vũ khí sát thương cao, vũ khí hóa học bất chấp những hậu quả đau xót mà dân thường là đối tượng phải gánh chịu nhiều nhất. Việc Israel sử dụng đủ loại vũ khí trong cuộc tấn công Dải Gaza gần 1 tháng qua vấp phải sự phản đối mạnh mẽ bởi hành động của chính quyền Tel Aviv đã vi phạm tội ác chống lại loài người.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục