Liên doanh, liên kết trong bệnh viện công - Nhiều tiêu cực, cần chấn chỉnh

Loạn... đặt máy
Liên doanh, liên kết trong bệnh viện công - Nhiều tiêu cực, cần chấn chỉnh

Với chủ trương xã hội hóa đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và chất lượng khám chữa bệnh, từ năm 2008, việc liên doanh, liên kết (LDLK) thật sự “bùng nổ” ở nhiều bệnh viện công lập. Tính đến nay, riêng các bệnh viện công tại TPHCM đã có 59 đề án LDLK với tổng giá trị lên tới 380 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, thực tế không ít việc LDLK đã làm lợi cho các “nhóm lợi ích”.

Trong khi chất lượng khám chữa bệnh không tăng, bệnh nhân phải gánh thêm nhiều chi phí cho những dịch vụ chẩn đoán cận lâm sàng ở bệnh viện công. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Trong khi chất lượng khám chữa bệnh không tăng, bệnh nhân phải gánh thêm nhiều chi phí cho những dịch vụ chẩn đoán cận lâm sàng ở bệnh viện công. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Loạn... đặt máy

Thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính và Thông tư 15/2007/TT-BYT về quy định huy động vốn, xã hội hóa trang thiết bị y tế, hàng loạt bệnh viện (BV) công lập tại TPHCM đua nhau LDLK. Có lẽ nhanh nhạy đi đầu trong LDLK phải kể đến là BV Bình Dân. Từ năm 2006, BV này đã cho đặt một loạt 3 máy tán sỏi ngoài cơ thể, 2 máy siêu âm trắng đen, máy CT Scanner với tổng giá trị hàng tỷ đồng. Những năm sau, BV Bình Dân tiếp tục LDLK đặt máy X-quang, 2 máy siêu âm màu và thậm chí LDLK cả nhà thuốc.

Trong khi đó, xét về mặt số lượng đặt máy LDLK thì BV Nguyễn Tri Phương thuộc vào hàng “đàn anh” hơn cả. Từ năm 2007 đến 2012, BV Nguyễn Tri Phương đã cho đặt hàng chục máy theo hình thức LDLK và khoản lợi nhuận ăn - chia cụ thể: 35% thuộc về BV, 65% còn lại dành cho… đối tác. Một loạt máy móc BV Nguyễn Tri Phương đã LDLK cho lắp đặt như máy siêu âm Doppler màu tim, máy siêu âm 4D, máy chụp màu đáy mắt, máy cộng hưởng từ 1,5TESLA, máy đo độ loãng xương, hệ thống máy rửa ruột… Tính sơ bộ tổng giá trị LDLK mà BV Nguyễn Tri Phương đã thực hiện lên tới hàng chục tỷ đồng.

Một loạt BV khác như BV Nhân dân 115 cũng LDLK đặt máy Gamma Knife, máy CT-Sim, máy gia tốc 6/15MV, máy gia tốc 6MV cũng có tổng giá trị lên tới gần 200 tỷ đồng; hay BV Cấp cứu Trưng Vương LDLK 19 máy chạy thận nhân tạo; BV Chấn thương chỉnh hình cho đặt máy đo mật độ loãng xương toàn thân, 2 máy siêu âm màu, 2 máy MRI mà phần ăn - chia phía BV chỉ được 30%, thậm chí chỉ được 20%, còn phần lớn là đối tác được hưởng…

Ngay cả nhiều BV cấp quận - huyện cũng hăng hái LDLK. Chẳng hạn BV Quận 4 cho đặt hệ thống lọc máu định kỳ, hệ thống máy Phaco Diplomax II; BV Quận Thủ Đức cho LDLK một loạt máy móc như CT-Scanner, X-quang kỹ thuật số, máy soi cổ tử cung, máy đo tim thai, máy chụp MRI…

Thật sự, việc “đặt máy” như trên đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của công tác điều trị và lượng lớn bệnh nhân. Tuy nhiên hầu hết ghi nhận cho thấy các BV công đã “lấy công làm tư” khi cơ sở vật chất, nhân sự đều do nhà nước đầu tư, đào tạo, trả lương nhưng lại phục vụ cho mục đích LDLK. Chưa hết, để tăng nguồn thu cho bệnh viện lẫn đối tác nhằm sớm hoàn vốn và có lãi, các BV đã không ngần ngại chỉ định xét nghiệm, chiếu - chụp vô tội vạ hòng “đè cổ” móc túi người bệnh. Thống kê sơ bộ các BV công của TPHCM đã có 59 đề án LDLK với tổng giá trị lên tới 380 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là những đề án có “xin phép”, còn kiểu LDLK “chui” thì chưa thể thống kê hết!

Bệnh nhân chờ chụp X-quang tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.

Bệnh nhân chờ chụp X-quang tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM.

Làm lợi “sân sau”

Qua thanh tra tại BV Bình Dân mới đây, cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong LDLK đặt máy. Không chỉ “qua mặt” Sở Y tế, việc LDLK tại BV Bình Dân đã gây thất thu, thất thoát tiền nhà nước, gây lãng phí nhiều tỷ đồng. Cụ thể như đặt máy CT-Scanner từ năm 2006 đến 2011, giá trị máy là 4,5 tỷ đồng. Tỷ lệ ăn chia là đối tác 80%, BV 20%. Sau 3 năm đặt máy, đối tác thu hồi đủ vốn. Đến cuối 2011, BV tiếp tục ký hợp đồng đặt máy 2 năm (2011 - 2013) cũng với tỷ lệ đối tác 80%, BV 20%. Điều này là bất hợp lý, làm lợi cho đối tác mà thất thu cho BV vì máy đã qua sử dụng và đối tác đã thu hồi vốn từ lâu. Đặc biệt qua LDLK đã lộ rõ nhóm lợi ích của BV có thu nhập “khủng”. Trong đó, BV đã chi tiền chênh lệch trái quy định lên tới hàng tỷ đồng trong 4 năm cho nhóm lãnh đạo BV nhiều tỷ đồng…

Không chỉ đến khi thanh tra mới lòi ra “nhóm lợi ích” mà thực tế hiện nay việc LDLK tại các BV công cũng chủ yếu là “sân sau” của lãnh đạo, ban giám đốc hoặc lợi ích nhóm của BV. Một điều rất dễ thấy là tỷ lệ ăn - chia giữa BV và đối tác thể hiện sự bất cập rất rõ khi tỷ lệ mà phía BV được hưởng rất thấp, trung bình chỉ 20% - 30%, trong khi không xác định giá trị góp vốn của đơn vị về lợi thế y hiệu. Những BV lớn, có thương hiệu, lượng bệnh nhân thường quá tải nhưng tỷ lệ ăn - chia chỉ được hưởng 20%.

Không những vậy, ngoài việc đặt máy, hầu hết đối tác của BV đảm nhiệm luôn việc độc quyền cung ứng hóa chất, vật tư nên đối tác “ăn đủ”. Đó là chưa kể có những hợp đồng LDLK đã hết thời hạn, đối tác đã thu hồi vốn, lấy đủ lãi nhưng vẫn tiếp tục được gia hạn, số tiền lãi sau đó không biết đi vào đâu. Không ít BV công khi thực hiện LDLK đã không thực hiện đúng quy trình, nhất là thiếu dân chủ, thiếu công khai, giám sát. Quy định là việc LDLK phải được BV thảo luận công khai, dân chủ và thống nhất bằng văn bản giữa ban giám đốc với Đảng ủy và Công đoàn, nhưng không ít BV do “nhóm lợi ích” quyết định mà bỏ qua các thủ tục.

Theo phản ánh của nhiều bác sĩ đang công tác tại BV công, tình trạng “sân sau” của nhóm lợi ích là rất phổ biến. Do đó vì là “sân sau” nên máy móc LDLK được chỉ định mà không cần mời nhiều đối tác tham gia để thương thảo và lựa chọn…

Với LDLK bằng cách đặt máy hay góp vốn thì mục đích không chỉ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà còn hướng đến thu lợi nhuận. Do đó, tình trạng lạm dụng dịch vụ, làm tăng chi phí cho người bệnh không thể tránh khỏi. Nhìn nhận được bất cập này, từ năm 2010, Bộ Y tế đã có công văn 3295/BYT-KH-TC yêu cầu các BV công hạn chế việc đầu tư dưới hình thức góp vốn và đầu tư dưới dạng nhà đầu tư đặt máy và độc quyền cung cấp hóa chất.

Thế nhưng, xét ra từ 2011 đến nay, nhiều BV công tại TPHCM vẫn hoan hỉ góp vốn hoặc cho đặt máy LDLK! Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn lo ngại trong một hội nghị gần đây là tình trạng dịch vụ, góp vốn hay đặt máy trở thành “sân sau” của BV công.

Tập trung kiểm tra, chấn chỉnh liên doanh, liên kết

Tin từ Bộ Y tế ngày 17-10 cho biết bộ đã chỉ đạo triển khai thanh tra về cung cấp dịch vụ xã hội hóa y tế tại các BV công. Trong đó, Thanh tra Bộ Y tế sẽ phối hợp với thanh tra các sở y tế thanh tra, kiểm tra dịch vụ xã hội hóa tại các BV tuyến tỉnh, tập trung vào tình trạng liên doanh, liên kết. Đồng thời Bộ Y tế cũng đã yêu cầu sở y tế các địa phương báo cáo về tình trạng liên doanh, liên kết ở các BV công trực thuộc quản lý.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục