Cứ sắp tới liên hoan phim (LHP) Việt Nam, những người làm phim điện ảnh và truyền hình lại náo nức chờ đợi. Chờ đợi LHP sẽ là một cuộc họp mặt lớn của tất cả văn nghệ sĩ điện ảnh và những người làm phim, cả của điện ảnh và truyền hình.
Hai, ba năm một lần, những người làm nghề lại được gặp nhau, xem phim của nhau làm, trao đổi về nghề nghiệp. Cả nỗi mong chờ tác phẩm của mình được bạn bè, đồng nghiệp, ban giám khảo, khán giả, báo chí… đánh giá thế nào. Hồi hộp lắm chứ.
Những năm gần đây, tại các kỳ LHP quốc gia, ngày chờ đón các đoàn đại biểu từ các tỉnh, TP đổ về tập trung tại địa điểm tổ chức đã trở thành một ngày hội. Buổi chiều hoặc buổi tối trước ngày khai mạc, các đại biểu tìm gặp, thăm hỏi nhau. Những cái bắt tay thật chặt, thậm chí ôm hôn nhau của tình đồng nghiệp. Hoặc nháo nhào đi tìm xin thêm một chiếc vé xem phim hay một giấy mời dự lễ khai mạc cho bạn bè, người thân.
Và trước giờ khai mạc là sự tất bật của ban tổ chức, sự trầm ngâm của ban giám khảo. Lực lượng báo chí cũng chạy ngược chạy xuôi để tác nghiệp. Còn đại biểu, những người làm phim thì chọn những bộ trang phục đẹp nhất để đến dự khai mạc một cách trang trọng.
Lần đi dự LHP ở Huế, đoàn đại biểu của TPHCM đi bằng đường bộ và chúng tôi chọn tuyến quốc lộ 13, 14 qua Đắc Lắc và Gia Lai đến Huế để biết thêm một tuyến đường mới ở Tây Nguyên. Khi về sẽ đi tuyến quốc lộ 1A, dọc theo bờ biển. Tuy mệt vì phải đi mất hai ngày đường, nhưng ai cũng vui.
Năm dự ở Nghệ An, mọi người lại được đi bằng xe lửa. Đêm đầu tiên ngủ trên tàu, khi trưởng tàu đi kiểm tra thì thấy có toa chẳng có ai. Ngược lại, có toa đầy ắp người. Cứ tưởng là có hành khách đi lậu vé. Đơn giản, không ai muốn ngủ, mọi người chỉ muốn ngồi cùng nhau để nói chuyện. Và rồi sự hồi hộp trông chờ lễ trao giải…
Hỏi về kỷ niệm của LHP Việt Nam, tôi cứ nhớ về những điều đó. Tôi yêu vô cùng cái không khí đó. Nhưng LHP Việt Nam đâu phải chỉ có vậy. Mười sáu lần tổ chức LHP, có những điều vẫn là hy vọng. Hy vọng lần sau sẽ tổ chức tốt hơn, sẽ khắc phục được những điều chưa tốt của lần trước.
Việc tổ chức một LHP tầm cỡ quốc gia, thật sự là một công việc không dễ dàng và thật vất vả. Hàng trăm đầu việc cùng một lúc phải làm. LHP chỉ diễn ra trong vòng có 3-4 ngày nhưng sự chuẩn bị phải đến nửa năm. Còn nhiều công việc phải tiếp tục sau khi LHP bế mạc. Cho nên, việc tổ chức LHP cần phải được giao cho một đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp. Trong khi cơ quan làm chuyên môn chỉ cần phụ trách công việc chấm giải và những nội dung thuộc về chuyên môn.
Việc mỗi năm tổ chức LHP ở một địa phương cũng là một vấn đề gây nhiều bàn cãi. Khi thực hiện ý tưởng này, Cục Điện ảnh chắc chắn phải có lý do. Nhưng sản phẩm điện ảnh chất lượng cao cũng đòi hỏi phương tiện quảng bá đi cùng. Cho nên, nơi tổ chức liên hoan phải được đầu tư cơ sở vật chất.
Giải Kim Kê Bách Hoa của Hội Điện ảnh Trung Quốc cũng tổ chức mỗi năm ở một địa phương nhưng cơ sở vật chất của những nơi này rất tốt và khán giả tham dự cũng hết sức nhiệt tình. Các rạp chiếu ở TPHCM cũng đã được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của khán giả và của phim. Còn nhớ, những LHP trước, có nhiều trường hợp những nhà sản xuất phim hoặc tác giả đã phải phẫn nộ vì phim của họ chiếu hoàn toàn không thể hiện được những yếu tố hay hiệu quả kỹ thuật, kỹ xảo mà họ đã cố công đầu tư.
Việc quảng bá về LHP cũng cần phải có. Không biết lần này, không khí ở Tuy Hòa - Phú Yên sẽ như thế nào, nhưng ở các PHP trước, không khí LHP thật trầm lắng.
Điện ảnh đang gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn, sự quan tâm đến điện ảnh Việt Nam của khán giả Việt Nam vẫn rất lớn. Người Việt Nam vẫn yêu điện ảnh Việt Nam. Để biến LHP quốc gia thành một ngày hội mừng công của ngành, một ngày báo công cho khán giả cả nước biết công sức, tài năng của người làm phim, thiết nghĩ, cũng là điều rất tốt…
DƯƠNG CẨM THÚY
| |
- Thông tin liên quan:
>> Đạo diễn Phạm Việt Thanh với dòng sông điện ảnh