Liên kết, phát triển nguồn cung chương trình bình ổn giá: Thiếu chia sẻ quyền lợi

Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Nâng cao hiệu quả bình ổn giá trên thị trường TPHCM thông qua tăng cường liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức.
Liên kết, phát triển nguồn cung chương trình bình ổn giá: Thiếu chia sẻ quyền lợi

Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Nâng cao hiệu quả bình ổn giá trên thị trường TPHCM thông qua tăng cường liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức.

Hầu hết ý kiến đều cho rằng, chương trình bình ổn giá tại TPHCM là một trong những công cụ điều tiết giá hữu hiệu, thiết thực của TP, khẳng định được sức lan tỏa và vai trò định hướng dẫn dắt giá cả của các mặt hàng thiết yếu, ổn định an sinh xã hội. Để liên kết, phát triển nguồn cung bền vững, các bên cần có sự xác định cụ thể về thế mạnh của mình, có sự chia sẻ về quyền lợi và trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Liên kết, phát triển nguồn cung chương trình bình ổn giá: Thiếu chia sẻ quyền lợi ảnh 1

Mua hàng bình ổn giá tại Cửa hàng Vissan. Ảnh: Diễm Thy

Cung ứng 50% - 70% sản lượng cho TPHCM

Để triển khai thành công chuỗi cung ứng, tạo nguồn hàng thực phẩm sạch phục vụ cho thị trường TPHCM nói chung và công tác bình ổn giá nói riêng, nhiều năm qua, TPHCM đã tiến hành ký kết hợp tác liên tịch về nhiều mặt với 13 tỉnh miền Tây Nam bộ và 8 tỉnh miền Đông Nam bộ cùng nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, TP đã đồng loạt triển khai các đề án, chương trình nhánh như Chiến lược phát triển chăn nuôi phục vụ công tác bình ổn giá thực phẩm của TPHCM định hướng đến năm 2015; Đề án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đề án xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn thực phẩm; Phương án liên kết tạo vùng nguyên liệu trong chăn nuôi đến năm 2015…

Theo tính toán của các tỉnh đang thực hiện việc liên kết với các DN của TP, lượng hàng cung ứng cho thị trường TPHCM hiện chiếm bình quân khoảng 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Riêng tại một số tỉnh thực hiện việc sản xuất và chăn nuôi chuyên ngành như Đồng Nai, Lâm Đồng, lượng hàng cung ứng cho TP chiếm tới 70% tổng sản lượng toàn tỉnh. Bình quân mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.000 - 1.100 tấn/ngày (gồm cả sản phẩm đông lạnh nhập khẩu) và khoảng 3 - 3,5 triệu quả trứng gia cầm. Trong số đó, các sản phẩm nông nghiệp của TP chỉ cung ứng được khoảng 15% - 20% nhu cầu tiêu thụ của TP, phần còn lại đều phải được cung ứng từ các tỉnh và nhập khẩu.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Các tỉnh thành hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa cho thị trường TP. Ngược lại, TPHCM đã trở thành nơi tiêu thụ hàng nông sản lớn nhất nước. Nhưng đánh giá việc thực hiện liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, đã có những thành công nhất định song vẫn còn rất nhiều hạn chế, làm giảm tính bền vững trong quá trình thực hiện. Biểu hiện rõ nhất là chưa có sự chia sẻ về quyền lợi và lợi nhuận giữa các bên. Bên bán bao giờ cũng muốn bán được giá, còn bên mua luôn muốn ký được các hợp đồng với mức giá thấp nhất…

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ đặt vấn đề, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản tại các tỉnh ĐBSCL bị rớt giá trong khi các DN bình ổn giá tại TPHCM chưa thực hiện được vai trò điều tiết giá. Ví dụ, giá heo hơi tại các tỉnh hiện chỉ dừng ở mức 44.000 đồng/kg, nếu Công ty Vissan mua giá heo hơi cao hơn thì sẽ kéo được mặt bằng giá lên, khi đó người nông dân sẽ đỡ khổ hơn!

Ở góc độ DN, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho rằng, giá cả là do cung - cầu thị trường điều tiết. Một mình Vissan không thể làm được việc này. Hơn nữa, số tiền TP cho DN vay để thực hiện bình ổn giá chỉ giống như mồi lửa ban đầu, kích thích tinh thần DN. Về giá, các hoàn toàn không có chuyện DN bình ổn ép giá nông dân, vì thực chất để có được nguồn hàng ổn định thì chính các DN vừa tham gia vào khâu sản xuất, vừa là người tổ chức mạng lưới phân phối. Nói cách khác, các DN bình ổn hiện đang đóng vai trò là người kết nối dòng chảy hàng hóa từ sản xuất đến đến tay người tiêu dùng để có được những sản phẩm với giá bán tốt nhất. Tham gia bình ổn, lợi nhuận trên sản phẩm của DN có thể giảm đi, nhưng đổi lại họ bán được số lượng nhiều hơn. Đây cũng là cách tốt nhất để DN xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.

Cần đảm bảo tiêu chí 3 bên cùng có lợi

 Cũng theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay khiến việc liên kết chuỗi còn hạn chế, ngoài yếu tố sản xuất manh mún, thì chúng ta vẫn chưa xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên. Cho đến nay, nhà nước chưa có được một hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ để thực hiện các chuỗi liên kết trong cung ứng, nhất là thiếu một chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của DN với người sản xuất.

Là một trong những người chủ công thực hiện chương trình bình ổn giá, đồng thời triển khai thực hiện liên kết, hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhìn nhận, hiện các DN tại các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa có ý thức xây dựng thương hiệu hàng hóa đã gây cản ngại rất lớn trong quá trình phát triển chuỗi cung ứng. Về phía TPHCM, ngoài việc liên kết, phát triển nguồn cung, TP cũng sẽ hỗ trợ các DN phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh. Các DN vừa có nhiệm vụ phân phối hàng hóa của DN TP đến với các tỉnh, vừa có trách nhiệm tổ chức các điểm thu mua để cung ứng ngược lại cho TP. Cơ quan nhà nước chỉ có thực hiện vai trò cầu nối cho các bên, còn giá cả thế nào, thu mua ra sao thì tự các DN phải bàn bạc với nhau. Mấu chốt của quá trình thực hiện là phải luôn đảm bảo tiêu chí 3 bên cùng có lợi (gồm nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng) thì việc liên kết mới phát triển bền vững. Bằng không các bên sẽ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn về giá!

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục