Ngày 12-9, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia”. Hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Trung ương; Bộ trưởng Du lịch các nước Lào, Campuchia; Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán 20 nước tại Việt Nam; các chuyên gia và doanh nghiệp đã tham dự hội thảo.
Đại biểu thăm gian hàng trái cây đặc sản thành phố Phan Thiết
Muốn phát triển, phải đủ 4 yếu tố
“Muốn phát triển du lịch thì các vùng phải liên kết giải quyết 4 vấn đề: ở đâu, ăn gì, chơi gì và mua gì? Có như vậy, du khách mới vui vẻ tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Nếu không làm tốt, ta chỉ thu được tiền khách sạn mà thôi!” - TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, quả quyết. Ông nhấn mạnh, để liên kết, Nhà nước phải giải quyết bài toán hạ tầng, thay đổi tư duy từ điểm du lịch thành vùng du lịch…
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải cho biết, năm qua khách du lịch Việt Nam đến Campuchia khoảng 1 triệu lượt, đến Lào 1,1 triệu lượt khách; trong khi đó khách Lào đến Việt Nam chỉ bằng 20%, khách Campuchia đến Việt Nam chỉ bằng 40%, điều đó cho thấy du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng. Hội thảo cũng nhìn nhận lại những tồn tại trong lĩnh vực đầu tư du lịch thời gian qua như: giao đất cho nhà đầu tư không có năng lực, người có năng lực thì không có đất, dẫn đến nhiều dự án treo, chiếm đất chờ nhà đầu tư thứ cấp; tình trạng khai thác du lịch bừa bãi dẫn đến ô nhiễm môi trường… Do vậy, hội thảo lần này là điều kiện để các bên gặp gỡ, ký kết, hợp tác phát triển trên tinh thần “3 quốc gia - 1 điểm đến”. Việc liên kết phải toàn diện, cả trong xúc tiến, hợp tác thông tin, môi trường kinh doanh, trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực…
TS Trần Du Lịch nói rõ, tiềm năng du lịch của chúng ta nhiều nhưng tồn tại cũng không ít. Nếu không liên kết phát triển, để tỉnh nào cũng tự phát sẽ phá tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước ASEAN. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cũng thừa nhận, nếu không có chiến lược liên kết phát triển du lịch thì tài nguyên sẽ bị khai thác đến hoang tàn. Ông cũng cho rằng, đáng ra du lịch là ngành kinh tế phải được đặt lên hàng đầu, nhưng Nhà nước chưa thực sự đặt lên hàng đầu, chưa quy hoạch, liên kết, kết nối giao thông… Bởi, nói liên kết vùng thì nhân vật chính tham gia liên kết phải là Nhà nước (làm quy hoạch, kết nối giao thông…), do vậy Nhà nước phải có chiến lược rõ ràng. Giữa các quốc gia phải có chương trình phối hợp liên quốc gia, vì gắn với vấn đề đi lại qua biên giới.
Hầu hết các góp ý của các chuyên gia tập trung xoáy sâu vào những tồn tại trong lĩnh vực du lịch. Tồn tại lớn nhất hiện nay là đường giao thông (đường sắt, đường bộ) quá lạc hậu. TS Trần Du Lịch dẫn chứng, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Mũi Né mất 4,5 giờ, tốn quá nhiều thời gian. Nếu xây dựng đường cao tốc từ Dầu Giây về Bình Thuận 100km thì sẽ rút ngắn được thời gian, khoảng cách, giúp du lịch phát triển. Thế nhưng, nhiều đại biểu than rằng, đường cao tốc là cần thiết nhưng giá cả cũng rất quan trọng, vì tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã xong nhưng thu phí quá cao, đến 100.000 đồng/lượt cho xe cá nhân 4 chỗ thì vẫn… vắng khách! Ngoài ra, để phát triển du lịch, việc chuẩn bị nguồn nhân lực rất quan trọng. Nói như Bộ trưởng Du lịch Thái Lan thì “du lịch là sự nối kết của con tim đến con tim”, nhưng Việt Nam đã có nguồn nhân lực chuyên nghiệp chưa, đủ tâm huyết để kết nối chưa? TS Trần Du Lịch cho rằng, không nơi nào phát triển du lịch được nếu người dân không đón khách thân thiện, nồng ấm.
Không phải có tiền mới phát triển được!
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, nói thẳng, ngành du lịch vẫn còn né tránh trách nhiệm, lãnh đạo các tỉnh chưa nhận thức để thực hiện, trong khi du lịch là ngành kinh tế có tiềm năng phát triển. Theo ông, muốn liên kết phải giải quyết 4 vấn đề: thứ nhất là an ninh an toàn cho du khách, các địa phương để xảy ra tình trạng đua xe, giật dọc, khách không dám ra đường thì làm sao phát triển; thứ hai là phải quy hoạch sản phẩm du lịch cho từng địa phương; thứ ba là cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thứ tư là xây dựng nguồn nhân lực du lịch. “Thế nhưng, khi nói tới phát triển thì địa phương nào cũng đòi tiền, nhưng “xanh và sạch” - công tác giáo dục nâng cao ý thức người dân - thì đâu cần tiền, vậy mà các tỉnh cũng không làm được, trong khi ta có hệ thống chính trị rộng khắp. Không phải có tiền mới phát triển được. Phải sửa đổi tư duy này mới làm được...” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nguyễn Hữu Thọ bức xúc.
TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Du lịch, cho rằng bên cạnh công tác giáo dục, mỗi vùng phải khai thác lợi thế so sánh, tăng thế mạnh của mình để cạnh tranh. Nếu không phát triển bài bản mà để mạnh ai nấy tranh giành, bán giá chặt chém thì du khách bỏ đi hết. Bài học được nhắc lại là ở Vũng Tàu, vì giá cả chặt chém nên khách đến mà không xài tiền. Một năm Vũng Tàu đón hơn 15 triệu lượt khách, cao nhất so với các tỉnh thành, thế nhưng tính trung bình mỗi du khách chỉ xài… 50.000 đồng/ngày! PGS-TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cũng đề xuất, công tác liên kết là làm sao khai thác lợi thế so sánh của nhau. Ví dụ, Nam Lào có lợi thế địa hình thác, hồ, rừng thì phát triển du lịch thể thao mạo hiểm; Đông Bắc Campuchia có dòng sông nên phát triển du lịch đường thủy; duyên hải miền Trung có bờ biển dài thì phát triển du lịch nghỉ dưỡng... Vấn đề khó là phải có giải pháp cụ thể để liên kết liên vùng, vì liên kết trong nội vùng đã khó trong điều hành, thì liên vùng vượt quốc gia còn khó hơn. Do vậy, ông đề nghị ngay sau hội thảo này, phải có đề án liên kết làm rõ ai làm cái gì, ai sẽ điều hành liên kết này; giao thông liên kết như thế nào; chính sách khu vực làm sao để khách đến Lào, Campuchia và Việt Nam được dễ dàng, thuận tiện; hợp tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho liên kết ra sao… Nếu không có hành động cụ thể thì vài năm sau, chúng ta vẫn chỉ nói như hôm nay. Do vậy, ông đề nghị cần làm ngay!
HÀN NI - THANH HẢI
Hút khách nhờ khuyến mãi, kích cầu THI HỒNG |