Tại hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và tác động đối với Việt Nam” diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 18-6, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần liên kết để tạo “sức mạnh bó đũa”. Không thể đơn thương độc mã, một mình một kiểu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường quốc tế như hiện nay.
Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam nhìn nhận, nếu tham gia TPP, ngành chăn nuôi nước ta sẽ tiếp cận nhanh hơn các khoa học - công nghệ mới, giống vật nuôi mới, các sản phẩm mới… Khi thuế suất về 0%, ngành chăn nuôi sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thú y, con giống. Bên cạnh đó, gia nhập TPP giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tuy vậy, thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam cũng gay gắt không kém khi Việt Nam tham gia TPP, do sức cạnh tranh của ngành rất thấp. Chẳng hạn, giá thành sản phẩm chăn nuôi của ta cao hơn từ 25% - 30% so với các nước cùng tham gia TPP như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand; sản xuất nhỏ, manh mún, giống vật nuôi cho sản xuất chưa đảm bảo; chi phí phòng chống dịch bệnh khá cao; chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ và phát triển chăn nuôi còn thiếu, khó tiếp cận…
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu nâng cao được năng suất, tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến nơi tiêu thụ theo chuỗi giá trị thì giá thành chăn nuôi mới giảm được khoảng 25% - 30%. Từ đó, mới có thể cạnh tranh được với các nước khác. Để làm được điều này, cần tập trung tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi: người chăn nuôi liên kết với DN theo hình thức chăn nuôi gia công; liên kết giữa chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm sạch; liên kết chăn nuôi - giết mổ - bán buôn; liên kết giữa nhà máy sản xuất thức ăn và người chăn nuôi… Thực tế cho thấy, ở một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, việc liên kết chuỗi giá trị khép kín trong chăn nuôi đã góp phần giảm 12% - 22% chi phí sản xuất. Trước tình hình này, nếu không nhanh chóng quyết tâm đổi mới, tổ chức lại (đầu tư, sản xuất, mô hình liên kết…) thì ngành chăn nuôi nước ta sẽ bị thua đau đớn trên sân nhà.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP cùng ngày về việc liên kết giữa các DN, ông Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ Việt Nam tại WTO, nhấn mạnh, ngay khi khởi nghiệp, các DN cần quan tâm ngay tới vấn đề liên kết. Không nên chỉ dừng ở lợi ích trước mắt, kiểu như “buôn chuyến” trước đây. “Để đất nước mạnh lên thì DN phải giàu, cộng đồng DN phải mạnh. Việc liên kết giữa các DN, cộng đồng DN phải trở thành một chương trình quốc gia. Chỉ có DN tự bắt tay, liên kết với nhau thì vẫn chưa đủ mà cần có sự chung tay hỗ trợ của nhà nước”, ông Ngô Quang Xuân nói.
Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam tại TPHCM, một số nghiệp đoàn lao động, thủy sản… của Mỹ khá thận trọng, thậm chí phản đối Mỹ tham gia TPP. Các nghiệp đoàn này quan ngại rằng, việc gia nhập TPP, nhất là các ngành sản xuất tự hành (sản xuất ô tô…), đã và sẽ làm mất đi cơ hội việc làm của người lao động; sản phẩm bị cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, yếu tố môi trường đe dọa toàn cầu cũng là lo ngại được đưa ra để làm chậm tiến trình hội nhập. Một số nghiệp đoàn Mỹ cho rằng các công ty, DN gia nhập TPP sẽ không trả thêm phí bảo vệ môi trường ở các nước đang phát triển; từ đó kéo giảm giá thành, cạnh tranh giá cả đối với nhiều mặt hàng tại Mỹ. |
THI HỒNG